(Báo Quảng Ngãi)- Lao kháng thuốc không chỉ khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm, mà còn là nỗi lo của cả cộng đồng.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 500 nghìn trường hợp lao kháng thuốc; trong đó có từ 5 - 7% lao siêu kháng thuốc. Đây là mối đe dọa cho công tác phòng chống căn bệnh xã hội này. Tại Việt Nam, mỗi ngày có gần 400 người mắc bệnh lao mới. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế cũng như cộng đồng.
Khi mắc lao đa kháng thuốc, chi phí, thời gian điều trị phải kéo dài, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Những bệnh nhân lao đa kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ cao tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao đa kháng thuốc cho xã hội. Do đó, rất cần có sự quyết tâm, kiên trì của bệnh nhân và gia đình để chữa khỏi hoàn toàn lao kháng thuốc.
Người mắc bệnh cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Ảnh: Internet |
Bệnh lao kháng thuốc là bệnh nhân có vi khuẩn lao kháng với một hay nhiều loại thuốc lao. Kháng với 1 thuốc gọi là đơn kháng thuốc. Kháng với nhiều thuốc gọi là đa kháng thuốc. Trong đa kháng thuốc, có 2 nhóm là lao đa kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc. Trong lao đa kháng thuốc thì bệnh nhân lao có vi khuẩn kháng với 2 loại thuốc điều trị lao chính yếu hiện nay. Nhóm đặc biệt thứ 2 là lao siêu kháng thuốc, là ở những bệnh nhân lao đa kháng thuốc có thêm vi khuẩn kháng thêm với 2 loại thuốc nữa. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao; đồng thời trở thành “tác nhân” lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh, gây nên những hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế cho gia đình và xã hội.
“Để giảm tỷ lệ lao đa kháng thuốc tại cộng đồng, đặc biệt là kiểm soát bệnh nhân trong quá trình điều trị, phải thực hiện tốt nguyên tắc điều trị lao, đảm bảo bệnh nhân dùng đủ loại thuốc, dùng thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian của lộ trình điều trị. Ưu tiên cho việc phát hiện và điều trị sớm. Nâng cao nhận thức cho cả thầy thuốc và bệnh nhân, vì thầy thuốc phải thường xuyên cập nhật các kỹ năng chẩn đoán, điều trị. Bệnh nhân phải nâng cao hiểu biết về bệnh lao, lao kháng thuốc”, một bác sĩ khuyến cáo.
Cùng với đó, người bệnh cần phải tuân thủ quy định trong điều trị như: Không được tự ý ngưng dùng thuốc hay tự ý giảm liều. Người dân khi thấy các dấu hiệu mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém, ho kéo dài trên 2 tuần không rõ nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh lao vì vậy cần đến ngay các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời. Những người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi cũng cần đi kiểm tra để phát hiện sớm bệnh lao.
KIM LIÊN