Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc y tế

06:09, 13/09/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Thiếu thuốc do không đủ kinh phí để mua đã và đang xảy ra ở hầu hết các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn Quảng Ngãi. Số thuốc phục vụ hồi sức, cấp cứu tại một số trung tâm y tế chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho hoạt động khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế.
[links()]
Hoạt động khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng lớn
 
Cách đây hơn 2 tháng, vì thiếu thuốc nên Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa không dám tiếp nhận điều trị một số bệnh nhân nặng. Các bệnh nhân mắc các bệnh lý như: Khó thở do hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, bệnh đái tháo đường đều phải chuyển lên tuyến trên. Các hóa chất hỗ trợ cho bệnh nhân chạy thân nhân tạo cũng thiếu trầm trọng, dẫn đến việc tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh này với số lượng hạn chế.
 
Các bệnh nhân chạy thận tại Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và thận nhân tạo thuộc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa.
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và thận nhân tạo thuộc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa.
 
"Đến nay, thuốc phục vụ cho hồi sức, cấp cứu tại khoa đã cơ bản có nguồn cung, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Một số bệnh nhân có thể điều trị được ở tuyến huyện nhưng vì thiếu thuốc nên phải chuyển lên tuyến trên".
Bác sĩ LÊ QUANG HẬN Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc và thận nhân tạo (Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa)

Không chỉ thiếu thuốc tây y, thuốc đông y cũng đang thiếu trầm trọng. Các Khoa Y học cổ truyền ở tuyến huyện chỉ tiếp nhận các bệnh điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng - Trưởng Khoa Y học cổ truyền, phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm) chia sẻ, khoa đang thiếu thuốc thành phẩm và thuốc thang trong điều trị đông y. Hiện khoa đang điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp không dùng thuốc, bằng cách châm cứu, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu, sử dụng xung điện, sóng ngắn… Các bệnh cần phải dùng thuốc thì khoa sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị.

Tình trạng thiếu thuốc cũng xảy ra ở các trạm y tế tuyến xã. Theo thống kê của một số trung tâm y tế, hiện việc cung ứng thuốc điều trị cho y tế tuyến xã chỉ đáp ứng khoảng 30 - 50% nhu cầu sử dụng. Ba tháng nay, nguồn thuốc BHYT tại trạm rất hạn chế, có thời điểm vì không có thuốc nên trạm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được khám và nhận thuốc điều trị theo thẻ BHYT. Hoặc người bệnh phải tự mua thuốc ở ngoài.
 
Điều trị theo phương pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền, phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm.
Điều trị theo phương pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền, phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm.
 
Ông Lê Tiếng, ở thôn Vùng 4, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) chia sẻ, trạm y tế nhiều lúc thiếu thuốc nên người dân phải đi mua ở ngoài hoặc lên tuyến trên. Nhưng mua ngoài thì tốn kinh phí, và không phải ai cũng đủ sức khỏe để đi lên tuyến trên khám bệnh, nên rất mong trạm y tế xã có đủ thuốc hỗ trợ cho người dân.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Loan - Trưởng Trạm Y tế xã Phổ Thuận cho hay, nguồn thuốc của trạm y tế xã là từ tuyến huyện cung cấp. Tuyến huyện hiện không đủ thuốc để sử dụng trong điều trị nên kéo theo tình trạng thiếu thuốc ở tuyến xã. Trong quá trình kê đơn, chúng tôi chỉ cho những loại thuốc điều trị chính. Còn thuốc hỗ trợ, thuốc bổ thì thiếu trầm trọng nên phải cắt bớt.
 
Bệnh viện tuyến huyện gặp khó về nguồn thu
 
Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trong toàn tỉnh đều rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí để mua. Nguồn thu của các đơn vị chủ yếu từ nguồn khám, chữa bệnh. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng bệnh nhân giảm nhiều, làm ảnh hưởng đến nguồn thu.
Kho thuốc chính tại Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng.
Kho thuốc chính tại Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng.
 
Nhiều trung tâm y tế đang nợ tiền thuốc các công ty cung ứng với số tiền lớn nên rất khó để thương thảo mua tiếp. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa nợ tiền cung ứng thuốc 15,5 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm nợ gần 8 tỷ đồng. Trong khi đó, quy định của hợp đồng mua bán thuốc là trong vòng 90 ngày phải thanh toán dứt điểm. Nếu không thanh toán thì các đơn vị không cung ứng tiếp. 
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm cho biết, thuốc khó mua là do vướng nợ, chưa trả hết cho các công ty. Năm 2021, do dịch Covid-19, nên doanh thu thấp, bệnh viện phải mượn tiền thuốc của các công ty mà đáng lẽ mình phải trả cho họ trong năm 2021. Giờ muốn có đủ thuốc thì phải trả nợ, nhưng rất khó vì đơn vị y tế nào cũng đang gặp nhiều khó khăn.
 
Một nguyên nhân khác chiếm phần lớn kinh phí hoạt động của các đơn vị y tế là nguồn chi trả từ BHYT. Theo thống kê của Sở Y tế, số tiền BHXH chưa thanh toán cho các bệnh viện, trung tâm y tế từ năm 2018 đến nay là hơn 121 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018 là 35,9 tỷ đồng, năm 2019 là 52,8 tỷ đồng và năm 2020 là 32,7 tỷ đồng.
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở hầu hết các trung tâm y tế tuyến huyện.
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở hầu hết các trung tâm y tế tuyến huyện.
 
Bác sĩ Đặng Văn Điểm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa cho biết, tình trạng thiếu thuốc ở trung tâm đã diễn ra trong thời gian dài. Tình hình thu dung bệnh nhân trong mùa dịch thấp nên nguồn thu không đủ bù chi cho các hoạt động của trung tâm. Nguyên nhân khác là do BHXH chưa thanh toán cho trung tâm nên chúng tôi đang nợ kinh phí các công ty dược. Việc mua thuốc để phục vụ cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.
 
Sớm tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán BHYT
 
“Trong tháng 5/2022, BHXH Việt Nam đã cử đoàn công tác về tiếp tục rà soát lại các khoản chi phí đó, trên cơ sở dữ liệu mà các cơ sở khám, chữa bệnh đưa lên từ năm 2018 - 2020. BHXH tỉnh đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam kiến nghị giải quyết nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả”.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh BÙI QUANG DANH.

Tình trạng thiếu kinh phí do nguồn thu không đủ chi khiến các cơ sở y tế rơi và thế “tiến thoái lưỡng nan”. Sở Y tế đang phối hợp với BHXH tỉnh và các đơn vị cung ứng thuốc tìm hướng giải quyết. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết, ngành y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với BHXH tỉnh rà soát, giải trình các khoản chi mà BHXH chưa thanh toán. Đồng thời, làm việc với các nhà cung ứng thuốc xin tạm giãn nợ cho các cơ sở y tế để tiếp tục có đủ nguồn thuốc đảm bảo cho các bệnh viện và trạm y tế xã. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế cân đối kinh phí để từng bước trả nợ cho các nhà cung ứng thuốc.

 
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có báo cáo gửi BHXH Việt Nam giải trình về nguồn chưa thanh toán do vướng các quy định. Trong đó, nêu rõ nguyên nhân chưa thanh toán cho các cơ sở y tế là do vướng quy định trong Nghị định 146 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết, thi hành một số điều Luật BHYT. Đến nay, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.
 
Cần sớm giải quyết các vướng mắc trong thanh toán BHYT để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân.
Cần sớm giải quyết các vướng mắc trong thanh toán BHYT để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân.
 
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Quang Danh cho biết, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ sở y tế để giải trình, thuyết minh những nguyên nhân, vướng mắc chưa thể chấp nhận quyết toán của BHXH Việt Nam. Năm 2021, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị xem xét giải quyết trên cơ sở tham mưu của các sở, ban, ngành có liên quan về việc quyết toán chi phí khám, chữa bệnh trên địa bàn.
 
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo Sở Y tế phải tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng nợ BHYT ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong việc khám, chữa bệnh. Nếu số tiền hơn 121 tỷ đồng nợ BHYT được giải quyết sớm sẽ giảm bớt gánh nặng cho y tế cơ sở, đảm bảo kinh phí hoạt động mua sắm thuốc điều trị bệnh.
 
Bài, ảnh: T.VƯƠNG

 


.