Coi chừng mất mạng khi dùng côn trùng làm thực phẩm

02:04, 21/04/2022
.
Côn trùng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng không lành tính, đặc biệt là những loại côn trùng lạ, không rõ nguồn gốc khai thác.
 
Không ăn côn trùng lạ
 
Dù đã có những cảnh báo nhưng những vụ ngộ độc vì ăn côn trùng lạ vẫn liên tiếp xảy ra. GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay đã có khoảng 225 loài côn trùng được khai thác làm thực phẩm ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam có 34 loài côn trùng được đồng bào dân tộc vùng núi thu bắt làm thực phẩm, sử dụng làm món ăn khá phổ biến ở nhiều vùng miền.
 
Con côn trùng mà 3 nạn nhân ở Gia Lai đã ăn bị ngộ độc và dẫn đến tử vong 1 người.
Con côn trùng mà 3 nạn nhân ở Gia Lai đã ăn bị ngộ độc và dẫn đến tử vong 1 người.
Côn trùng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng. Bởi chúng có hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất (đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm). Tuy nhiên, không phải loài côn trùng nào cũng có thể sử dụng làm thực phẩm.
 
GS.TS Bùi Công Hiển cảnh báo, việc an toàn thực phẩm từ côn trùng hiện nay đáng báo động. Hình thức khai thác côn trùng đa dạng, thường là tự phát. Khi xảy ra ngộ độc rất khó biết nguyên nhân (có thể dính thuốc trừ sâu, có thể lẫn côn trùng đã chết bị nấm ký sinh…). Nhiều người bắt được côn trùng lạ, dù không biết nó là loài gì vẫn chế biến để ăn, đây là điều cực kỳ nguy hại.
 
Một số loài côn trùng như sâu chít, sâu tre đã được nghiên cứu ở Việt Nam đều cho thấy trong thành phân sinh hóa, có những axit amin không thay thế, rất có ích cho cơ thể con người. Tuy vậy cũng tùy theo cơ địa, có người ăn dễ bị dị ứng (mẩn ngứa) chẳng hạn như ăn nhộng tằm. Đương nhiên, thực phẩm côn trùng chỉ nên là thức ăn thêm. Những món ăn từ côn trùng khá bổ dưỡng, nhưng chúng không phải là siêu thực phẩm vạn năng, và cũng không sạch như nhiều người tưởng.
 
Ngoài các loài côn trùng lạ, người dân lưu ý không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại. Trong khi chưa có những nghiên cứu sâu, rộng, khi sử dụng món ăn từ côn trùng, người dân chỉ nên ăn những côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn quen thuộc như nhộng, cào cào, bọ xít... và nói không với những loài côn trùng lạ.
 
Côn trùng không phải "thực phẩm sạch"
 
GS. Bùi Công Hiển cho biết, nhiều người cho rằng côn trùng vốn là thực phẩm sạch, nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Thực tế, bản thân cơ thể côn trùng sống trong tự nhiên dễ dính các tạp chất bẩn và có thể có các sinh vật khác ngoại ký sinh. Hơn nữa trong cơ thể côn trùng còn có các dịch, phân và chất độc mà ta chưa biết rõ. Thậm chí ngay khi đã nấu chín, nhưng lẫn côn trùng đã chết bị nhiễm nấm độc, cũng có thể gây ngộ độc. Ví dụ, rượu ngâm côn trùng (kiến, ong, sâu chít….) lưu niên có thể đã biến tính gây nguy hiểm, GS. Bùi Công Hiển cho biết.
 
GS. Bùi Công Hiển cũng lưu ý, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận vẫn có thể nhầm lẫn với côn trùng không ăn được hay lẫn với tạp chất, nấm mốc có hại. Do đó, không thể khẳng định cứ là côn trùng bắt ngoài tự nhiên thì hoàn toàn sạch, yên tâm sử dụng, kể cả ăn sống. Tùy theo môi trường thu bắt côn trùng để biết côn trùng có sạch không hay bị dính thuốc trừ sâu, dính các tạp chất độc hại khác. Có nhiều trường hợp ăn phải côn trùng nhiễm độc nên cũng ngộ độc theo.
 
Đặc biệt, khi chế biến món ăn cần phải có quy trình xử lý đảm bảo.
 
Nên rửa sạch côn trùng bằng nước muối, thậm chí là cồn để "khử" hết nấm độc, giun, rận... bám trên mình côn trùng.
 
Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn như ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi... để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết.
 
Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi;
 
Rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.
 
Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh... 
 
Nguyên tắc khi ăn côn trùng bọ xít là buộc phải chế biến ở nhiệt độ cao vì chất độc sẽ bị phân giải. Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
 
Theo SKĐS
 

.