Một số lợi ích sức khỏe của húng chanh

08:03, 15/03/2022
.
Húng chanh là một loại gia vị rất thân quen trong các bữa ăn của người Việt từ xa xưa. Không chỉ là một loại gia vị phổ biến, húng chanh còn là một vị thuốc chữa bệnh hiệu quả.
 
Đặc điểm của cây húng chanh
 
Húng chanh còn có tên là rau thơm lông, rau tần, tần dày lá, rau thơm, dương tử tô. 
 
Tên khoa học Coleus aromaticus Benth. (Coleus crassifolius Benth.). Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labitatae).
 
Húng chanh là một loại cỏ, gốc hóa gỗ, có thể cao 25 – 75cm. Thân mọc đứng, có lông. Lá có cuống, mọc đối, rộng, hình bầu dục, dày, trông như mọng nước. Lá dài 7 – 10cm, rộng 4-6cm, mép khía tai bèo, mặt trên có lông đơn, đầu mang hạch, trong, bóng; mặt dưới lá nhiều lông bài tiết hơn, gân nổi rõ.
 
Hoa màu tía nhỏ, mọc thành hoa tự, tận cùng dài gồm các vòng hoa mọc sít nhau gồm 20-30 hoa.
 
Cây húng chanh có nguồn gốc ở đảo Maluku, Indonesia, được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá, có mùi thơm dễ chịu như mùi chanh, vị trước thơm sau hắc, mát. Dùng làm gia vị.
 
Tại các nước khác: Indonesia, Malaysia, Trung Quốc... thường chỉ dùng tươi. Hái lá hay cành non, rửa sạch mà dùng.
 
Trong húng chanh có một chất màu đỏ gọi là colein và một ít tinh dầu mùi thơm nhẹ. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là chất cacvacrola.
 
Công dụng của húng chanh
 
Theo Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, ngoài công dụng làm gia vị, húng chanh là một thuốc chữa cảm cúm, chữa ho hen. Còn dùng ngoài để giã đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn. Thường dùng tươi với liều 10-16g một ngày.
 
Lá húng chanh trị ho hen hiệu quả.
Lá húng chanh trị ho hen hiệu quả.
Giảm viêm họng
 
Hoạt chất bên trong lá húng chanh tương tự một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng sát khuẩn tốt, loại bỏ chất nhầy, đờm và các tác nhân gây viêm nhiễm vòm họng.
 
Lá húng chanh tươi rửa sạch, cắt nhỏ, thêm một ít đường phèn rồi đem chưng cất thủy, sau đó vắt lấy nước uống. Còn bã lá húng chanh có thể ăn hoặc ngậm nuốt cùng với nước. Mỗi ngày sử dụng 1 lần, sẽ có hiệu quả nếu dùng liên tục từ 3–5 ngày.
 
Giảm sốt
 
Húng chanh giúp hạ sốt. Ngoài ra, còn giúp ra mồ hôi, loại bỏ độc tố qua da và tăng nhanh quá trình phục hồi.
 
Giã nát một ít lá húng chanh cùng với một ít muối và một ít nước sôi để nguội, rồi vắt lấy nước uống. Bã lá húng chanh để nguyên hoặc cho ít giấm hay rượu để thoa khắp cơ thể.
 
Chữa hôi miệng
 
Dùng húng chanh khô sắc lấy nước, thường xuyên ngậm và súc miệng, làm 5-7 lần trong ngày.
 
Giảm viêm khớp
 
Hàm lượng acid béo omega-6 có trong lá cây húng chanh có thể hỗ trợ giúp giảm chứng viêm khớp.
 
Cải thiện thị lực
 
Loại cây này có chứa một lượng vitamin A nhất định, giúp giảm căng thẳng oxy hóa trong mắt và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
 
Cải thiện chức năng thận
 
Cây húng chanh giúp lợi tiểu. Từ đó, nó giúp cơ thể đào thải các độc tố bằng cách kích thích đi tiểu.
 
Tăng lượng sữa mẹ
 
 Ở Ấn Độ và một số vùng của Indonesia, người dân vẫn sắc loại cây này cho các bà mẹ mới sinh uống để tăng lưu lượng sữa mẹ.
 
Giảm hội chứng ruột kích thích
 
Hãm lá cây húng chanh uống như nước trà sẽ trị khó chịu dạ dày và giảm hội chứng ruột kích thích.
 
Giảm căng thẳng và lo âu
 
Một số hợp chất hữu cơ và khoáng chất có trong cây húng chanh có tác dụng an thần nhẹ. Hãm lá húng chanh như trà để uống để giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, giúp thư giãn, ngủ ngon.
 
Theo Mai Phương/SKĐS
 

.