(Báo Quảng Ngãi)- Tự chủ tài chính (TCTC) nhằm góp phần nâng cao chất lượng, phong cách phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, với đặc thù miền núi, sau một thời gian triển khai, nhiều đơn vị y tế gặp khó khăn, thu không đủ chi.
[links()]
Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Minh Long thực hiện TCTC từ năm 2017, đến nay, tỷ lệ TCTC của đơn vị đạt 67%. Theo lãnh đạo TTYT huyện Minh Long, thời gian qua, để đảm bảo có nguồn thu để chi trả lương và các hoạt động, đơn vị đã chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Trong đó, việc đưa vào sử dụng một số trang thiết bị hiện đại, gồm máy siêu âm, X-quang, xét nghiệm... đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động KCB. Giá dịch vụ y tế được công khai, kịp thời giải đáp các thắc mắc của người bệnh.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Minh Long điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: A.Nguyệt |
Theo lãnh đạo TTYT huyện Minh Long, TCTC làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở y tế công, tư về chất lượng, giá cả và phong cách phục vụ người bệnh. Đồng thời thúc đẩy đổi mới tư duy quản lý tài chính, phương thức hoạt động, cũng như văn hóa ứng xử với người bệnh, tạo sự hài lòng cho bệnh nhân và người nhà.
Thực hiện Quyết định số 449/QĐ-UBND của UBND tỉnh về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2025, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện tự chủ từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, song số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú thấp, dẫn đến nhiều đơn vị không đảm bảo nguồn thu.
Với đặc thù là TTYT vùng cao còn nhiều khó khăn, các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến chưa triển khai, trang thiết bị xuống cấp, nguồn thuốc chưa đa dạng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế không đồng đều... cũng là những yếu tố ảnh hưởng làm cho số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú thấp.
Lãnh đạo TTYT huyện Minh Long nhìn nhận, với các đơn vị miền núi, việc thực hiện TCTC rất khó khăn, dù đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, song nguồn thu không đủ chi. Nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến KCB giảm đáng kể và giảm số lượng bệnh nhân nằm viện, để giãn cách giường bệnh.
Theo chia sẻ của một bác sĩ công tác tại TTYT huyện Trà Bồng, người dân trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Nhiều người chưa nhận thức tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe khoa học, mà vẫn còn tin vào các tập tục cũ. Để thay đổi nhận thức, thói quen KCB khoa học đã khó, thì việc có nguồn thu từ KCB càng khó hơn.
Đối với TTYT huyện Sơn Tây, hiện thực hiện tự chủ 69%, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào KCB BHYT. Song thời gian qua, do những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh, quyết toán kinh phí KCB BHYT, dẫn đến Trung tâm thiếu hụt về nguồn kinh phí hoạt động, từng xảy ra tình trạng nợ lương và các khoản chi khác, khiến nhiều người không yên tâm công tác, xin nghỉ việc không lương, tìm công việc mới. Một số thuốc, hoá chất, vật tư phục vụ công tác KCB hằng ngày cho bệnh nhân cũng cạn kiệt, vì các nhà cung cấp tạm dừng cung ứng.
“Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, Trung tâm đã động viên, chia sẻ những khó khăn với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời tìm giải pháp khắc phục, giữ chân người lao động. Dù đã tạm ứng kinh phí để chi trả lương, song nỗi lo thu không đủ chi khiến tâm lý người lao động bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng hoạt động không bảo đảm”, Giám đốc TTYT huyện Sơn Tây Châu Nguyễn Thương cho hay.
PV