I-ốt là vi chất rất cần thiết cho việc tổng hợp các hormon của tuyến giáp. Thiếu i-ốt sẽ phát sinh nhiều bệnh tật và các rối loạn chuyển hóa khác. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp được i-ốt nên cần bổ sung i-ốt bằng nguồn thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày.
Thiếu i-ốt gây bệnh gì?
Trong cơ thể, iốt rất cần cho hoạt động của tuyến giáp. Ngay từ trong giai đoạn đầu của bào thai, cơ thể thai nhi hoàn toàn chịu ảnh hưởng đến việc hấp thu i-ốt của bà mẹ. Vào tuần 12 của thời kỳ thai nghén, thai nhi đã cần i-ốt để tự tổng hợp hormon tuyến giáp.
Khi thiếu i-ốt cơ thể sẽ phát sinh nhiều bệnh tật và các rối loạn chuyển hóa khác. Thiếu i-ốt ở thai phụ dễ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra dễ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.
Ở trẻ em, thiếu i-ốt sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu i-ốt. Bướu cổ có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, trong khi đó đần độn xuất hiện ngay từ lúc bào thai nếu người mẹ bị thiếu i-ốt nặng.
Phòng ngừa thiếu i-ốt như thế nào?
Trong bữa ăn hằng ngày cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu i-ốt như các loại trái cây tươi, thịt và sữa. Đặc biệt là hải sản: tôm, cua, cá, ghẹ, rong biển, tảo biển.
Các loại rau xanh đậm, rau dền, mồng tơi, rau cần, cải xoong, rau chân vịt… cũng là nguồn thực phẩm giàu i-ốt.
Sử dụng muối i-ốt
Nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường khi chế biến thức ăn để phòng ngừa thiếu iốt. |
Muối i-ốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn. Lượng i-ốt được trộn vào muối an toàn cho cả người không thiếu i-ốt. Dùng muối i-ốt thường xuyên hàng ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe vì lượng i-ốt dư thừa sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu.
Lưu ý: Sau khi mua muối i-ốt về cần để trong lọ có nắp đậy kín. Do i-ốt là chất dễ bay hơi nên lưu ý để muối i-ốt ở nơi khô ráo, không rang muối i-ốt, không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào.
Theo BS. Thanh Bình/SKĐS