(Baoquangngai.vn)-
Đến nay, huyện miền núi Ba Tơ đã xác định 9 ca mắc bạch hầu. Trước tình hình thời tiết mưa lạnh là điều kiện để mầm bệnh phát triển, ngành y tế và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai cấp tốc các biện pháp để dập dịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiêm vắc xin phòng bệnh trong toàn dân ở 4 xã
Số địa phương ghi nhận ca bệnh trên địa bàn huyện Ba Tơ gồm: Ba Khâm 4 ca, Ba Trang 2 ca, Ba Lế 2 ca và Ba Xa 1 ca. Tất cả các trường hợp mắc và nghi mắc đều đã được cách ly và điều trị. Cụ thể, tại Bệnh viện Đà Nẵng có 1 trường hợp. Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1 trường hợp. Và 11 trường hợp đang theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Ngay khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, ngành Y tế đã chủ động triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đang tập trung nhân lực tiêm cho hơn 7.000 trường hợp người dân từ 5 đến 40 tuổi tại 4 xã đã xuất hiện ca bệnh bạch hầu.
Riêng tại xã Ba Khâm- nơi có số ca mắc bạch hầu nhiều nhất huyện, sau 2 ngày kêu gọi người dân để tiêm tập trung tại trạm, tỷ lệ tiêm chủng phòng bạch hầu đạt 93,6%. Hiện còn hơn 100 trường hợp trong độ tuổi từ 5-40 tuổi chưa tiêm phòng vì đã đi xa khỏi địa phương.
Tiến hành tiêm vét vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong cộng đồng tại xã Ba Khâm |
Điều dưỡng Phạm Thị Mấy- Trạm Y tế xã Ba Khâm cho biết: Hiện còn hơn 6% người dân chưa được tiêm chủng thì chúng tôi báo với y tế thôn, chính quyền địa phương rà soát lên danh sách cụ thể để kịp thời báo với trạm khi họ trở về nhà để trạm đến tiêm vét.
“Hiện trạm cũng đang tích cực đến các khu dân cư nằm ở xa trung tâm xã để tạo điều kiện cho tất cả người dân trong độ tuổi đều được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong đợt này”- điều dưỡng Mấy chia sẻ thêm.
Ngay khi phát hiện một trường hợp học sinh mắc bạch hầu, trường Tiểu học- THCS Ba Khâm đã chủ động cho hơn 30 học sinh học cùng lớp với ca bạch hầu nghỉ học, cách ly theo dõi tại nhà. Thầy Phan Văn Trí- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Chúng tôi phối hợp với Trạm Y tế tiến hành phun khử khuẩn 2 lần toàn bộ khuôn viên trường. Đồng thời, cho toàn bộ số học sinh của trường gồm 295 em và tất cả các giáo viên dưới 40 tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh, đạt tỷ lệ 100%.
Còn tại xã Ba Trang, từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 9.10, đến nay đã có hơn 1.500 người dân trong độ tuổi được tiêm vắc xin phòng bạch hầu. Trạm Y tế xã cũng khoanh vùng, cho cách ly tại nhà gần 100 trường hợp từng tiếp xúc gần với 2 ca bệnh trên địa bàn xã.
Bác sĩ Huỳnh Duy Hoàng- Trưởng Trạm Y tế xã Ba Trang cho hay: Tỷ lệ tiêm chủng đợt này đạt hơn 94%, chúng tôi đang tổ chức tiêm vét cho hơn 100 trường hợp chưa tới trạm tiêm tập trung. Đồng thời, cho uống kháng sinh 239 trường hợp đề phòng mầm bệnh phát triển, lây lan.
Cấp tốc dập dịch và tuyên truyền phòng bệnh
Dự kiến vào đầu tuần sau, công tác tiêm phòng sẽ hoàn thành với tỷ lệ 100% ở 4 xã có dịch. Ngoài công tác tiêm vắc xin phòng bệnh toàn dân trong độ tuổi 5-40 tuổi, ngành y tế tiến hành ngay công tác khoanh vùng, phun khử khuẩn môi trường ở những nơi phát hiện ca bệnh. Tuy nhiên, công tác phun tiêu độc khử trùng đang gặp khó khăn lạnh, vì thời tiết mưa kéo dài trong những ngày qua.
Phun hóa chất tiêu diệt mầm bệnh bạch hầu tại nhà dân |
Mặt khác, mầm bệnh bạch hầu có thể tồn tại lâu trong môi trường ẩm 20-30 ngày. Thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi bệnh bùng phát. Do đó, ngành y tế cần phải quyết liệt vào cuộc, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, mới có thể ngăn chặn bệnh.
“Chúng tôi tuyên truyền đến người dân thông qua nhiều kênh. Đó là tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, bằng tờ rơi, bằng miệng. Phối hợp với nhà trường tuyên truyền cho các em học sinh và phụ huynh, để đảm bảo ai cũng hiểu bạch hầu là bệnh nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp và cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin”- bà Đinh Thị Mai Hương- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết.
Sau nhiều ngày nỗ lực, hiện nhân dân ở 4 xã xuất hiện dịch bạch hầu đã được thông tin, tự nguyện đi tiêm vắc xin và nằm vững cách phòng bệnh. Anh Phạm Văn Huynh là một trong những người được tiêm vét chia sẻ: Ngày dân cả xã đi tiêm vắc xin thì mình đi là ở Đức Phổ không về kịp. Nên hôm nay về nhà được thì lo báo với trạm để họ đến nhà tiêm cho mình.
“Cán bộ y tế cũng hướng dẫn mình và bà con phải ăn chín, uống sôi, mang khẩu trang khi tới nơi đông người, vệ sinh nhà ở sạch sẽ để vi khuẩn gây bệnh không tấn công mình”- anh Huynh nói thêm.
Để công tác dập dịch có hiệu quả, ngành Y tế đã chuẩn bị nguồn vắc xin và thuốc kháng sinh để cấp phát về cơ sở, đảm bảo 100% người dân được tiêm, uống dự phòng. Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện tại kho của Trung tâm còn hơn 7.000 liều vắc xin, tạm đủ đáp ứng tiêm cho 4 xã đang có ca bệnh.
Y tế cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh bạch hầu |
Ngoài ra, Trung tâm cũng phân bổ cho huyện Ba Tơ gần 10.000 viên kháng sinh để tổ chức cho người dân uống dự phòng. Chúng tôi luôn bám sát cơ sở để kịp thời khoanh vùng dập dịch, đến nay đã tiến hành lấy 98 mẫu nghi ngờ ngoài cộng đồng để gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm.
Trước diễn biến của bệnh bạch hầu, công tác dập dịch và điều trị đang được ưu tiên hàng đầu. Ông Nguyễn Xuân Mến- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin: Chúng tôi chỉ đạo cơ sở tuyên truyền cho bà con mang khẩu trang khi tới chỗ đông người và đi tiêm vắc xin đầy đủ, không né tránh để chặn dịch bùng phát mạnh.
Sở cũng chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm chuẩn bị các điều kiện cách ly để tiếp nhận ca nghi mắc bạch hầu từ các xã phía Nam của Ba Tơ, giáp ranh với thị xã Đức Phổ. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và ngay khi có kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh thì chuyển ngay lên tuyến trên.
“Ngoài ra, chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh mua thêm huyết thanh bạch hầu để phục vụ công tác điều trị, không để xảy ra các ca tử vong”- ông Mến nhấn mạnh.
Dự kiến trong tuần tới, Sở Y tế sẽ nhập một số lượng lớn vắc xin và thuốc kháng sinh phòng bạch hầu để tiến hành tiêm toàn dân trong độ tuổi 5-40 tuổi ở 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ. Sau khi hoàn thành, sẽ tiếp tục tiêm mở rộng cho người dân ở độ tuổi trên 40, để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ dịch bạch hầu đe dọa cộng đồng ở địa phương này.
Bài, ảnh: Thanh Phương