(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 xảy ra đã chỉ rõ những "lỗ hổng" về việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng dịch. Mặc dù Quảng Ngãi chưa có ca nhiễm Covid-19, nhưng có thời điểm, ngành y tế tỉnh phải cuống cuồng lo vật tư y tế, trang thiết bị, cơ sở vật chất để phòng, chống dịch.
Thiếu từ tỉnh đến huyện
Từ những ngày đầu xảy ra dịch Covid-19 trong nước, Quảng Ngãi đã lên phương án phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khó khăn xảy ra khi các đơn vị y tế đều thiếu thiết bị, cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Huỳnh Giới cho biết: Khi dịch Covid-19 lây lan, tỉnh phân cho bệnh viện tiếp nhận đối tượng cách ly F1 và điều trị ca nhiễm Covid-19. Bệnh viện đã bố trí Khoa bệnh Nhiệt đới và Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) để điều trị, cách ly. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế quy định, tại khu vực cách ly phải có buồng bệnh cách ly, buồng đệm, xử lý đồ bẩn, phòng nhận bệnh, lối đi một chiều, phòng cách ly áp lực âm để điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19.
Vì đầu tư chưa đồng bộ nên hệ thống máy xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn chưa thể xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. |
Trong khi đó, cấu trúc của BVĐK tỉnh xây dựng đã lâu nên tất cả không đạt yêu cầu, nên bệnh viện đã gấp rút trích kinh phí để sửa chữa. Về lối đi một chiều không thể thay thế được, bệnh viện đành đưa những trường hợp F1 vào cách ly điều trị ở lối đi chung. Điều này tiềm ẩn những rủi ro lây dịch ra cộng đồng. Ngoài ra, số giường bệnh ở Khoa HSCC cũng chưa đảm bảo. Tại khoa có 42 giường, bệnh viện đã ngăn 2 phòng với 4 giường bệnh để điều trị trường hợp nghi nhiễm Covid-19; đồng thời đề xuất mua thêm 7 máy thở để đảm bảo công tác điều trị.
Trong thời gian chống dịch, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng có những lo lắng về cơ sở vật chất. Theo Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến, bệnh viện chưa đầu tư máy móc chuyên sâu để phòng, chống dịch Covid-19. Về cơ sở vật chất, bệnh viện được đầu tư 300 giường bệnh, nhưng đã hoạt động thực tế lên đến 600 giường. Nếu dịch bệnh xảy ra cần phải chữa bệnh theo quy định giãn cách, thì bệnh viện phải mở rộng. Với cơ sở hiện có, bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận 10 bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đều đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng, cơ sở vật chất, thiết bị y tế tuyến tỉnh đã thiếu, thì ở tuyến huyện, thị, thành phố và xã càng thiếu trầm trọng hơn. Tại BVĐK khu vực Đặng Thùy Trâm (thị xã Đức Phổ) - nơi có nhiệm vụ cách ly số ca nghi nhiễm Covid-19 khu vực phía nam của tỉnh, cơ sở vật chất vẫn không đảm bảo. Còn ở Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức, lối đi vào khu vực cách ly phải qua nhiều khoa, phòng... khiến nguy cơ lây nhiễm nếu có bệnh xảy ra rất cao.
“Sốt” vật tư y tế, máy xét nghiệm
Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 xảy ra, ngay từ đầu Quảng Ngãi đã thành lập 7 chốt điểm đường bộ và hàng loạt chốt điểm y tế tại các cảng, cửa biển; thành lập tổ, đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch, đội lấy mẫu xét nghiệm, giám sát, chăm sóc người trong khu cách ly... Mỗi đội, đơn vị, chốt điểm y tế đều phải có trang bị đồ bảo hộ y tế, găng tay, máy đo thân nhiệt, máy xét nghiệm, máy thở... Thế nhưng, tất cả đều thiếu. Khi ấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh phải gấp rút xây dựng các gói thầu để mua sắm phục vụ công tác này.
Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh Hồ Minh Nên lý giải: Vật tư y tế, đồ bảo hộ không thể chuẩn bị trước với số lượng lớn, nhưng máy xét nghiệm mẫu bệnh phẩm thì rất cần. Bởi trong thời gian cách ly xã hội, số lượng người về Quảng Ngãi cách ly khá lớn. Trung tâm phải lấy mẫu bệnh phẩm chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, vừa tốn chi phí, thời gian và vừa mất an toàn trong thời điểm chống dịch. Trong khi đó, có thời điểm Viện Pasteur Nha Trang hoạt động quá tải dẫn đến phải chờ đợi trong tình trạng dịch diễn biến phức tạp.
Cần đầu tư đồng bộ
Giám đốc BVĐK tỉnh Huỳnh Giới nhận định: Dịch bệnh do vi rút gây ra ngày càng diễn biến khó lường. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế đồng bộ là điều cần thiết để đảm bảo công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh cho người dân. Trước hết, tỉnh nên đầu tư gấp hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR để sớm phát hiện các ca nhiễm virút SARS-CoV-2. Hiện tại, Khoa Vi sinh của BVĐK tỉnh đã trang bị nhiều máy móc hiện đại như: Máy PCR định lượng vi rút, tủ an toàn sinh học. Các thiết bị này nhằm phục vụ cho việc xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, lao... nhưng chưa thể xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.
Thiếu cơ sở vật chất nên khu cách ly thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức bố trí không đúng quy định. |
"Không phải bây giờ, những năm trước đây, bệnh truyền nhiễm xảy ra khá lớn, vì thiếu cơ sở vật chất, thiết bị y tế nên nhiều bệnh nhân mắc dịch bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng phải nằm cả ngoài hành lang. Vì vậy, tỉnh cần có tầm chiến lược trong đầu tư cơ sở vật chất, con người, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch”, ông Giới kiến nghị.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Xuân Mến, trong 5 năm qua, việc đầu tư trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch bệnh cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm. Thông qua các dự án, nhiều máy móc, thiết bị hiện đại được đầu tư mới, giúp công tác y tế của tỉnh từng bước phát triển và nâng cao năng lực, trong đó có mảng dự phòng.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển mảng y tế dự phòng, đặc biệt là những tình huống ứng phó với đại dịch, thì ngành y tế cần được đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất. Đó là, đầu tư máy xét nghiệm ELISA, RT-PCR, máy quan trắc môi trường... nhằm phát hiện sớm dịch bệnh. Ngành cũng nhận thấy, vì đầu tư thiếu đồng bộ, nên trong đợt dịch Covid-19, tỉnh phải đầu tư khoảng 11,4 tỷ đồng để mua trang thiết bị trong điều kiện vô cùng khó khăn.
Hiện tại, trên cơ sở dự án An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, Quảng Ngãi đang xây dựng kế hoạch đầu tư xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế tuyến huyện, thị, thành phố và cơ sở, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: MAI HẠ