(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhân lực ở các phòng y tế huyện, thành phố vừa thiếu, vừa yếu và hoạt động khá mờ nhạt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phòng Y tế là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược cổ truyền, sức khỏe sinh sản, trang thiết bị y tế, dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Khối lượng công việc nhiều, nhưng Phòng Y tế TP.Quảng Ngãi hiện chỉ có 1 biên chế chuyên viên, khuyết cả chức danh trưởng phòng lẫn phó phòng. Vậy nên, trụ sở làm việc của cơ quan này thường xuyên trong tình trạng "cửa đóng, then cài", vì phần lớn thời gian chuyên viên phải đi cơ sở.
Phòng Y tế TP.Quảng Ngãi chỉ còn 1 chuyên viên, nên thường xuyên đóng cửa vì cán bộ này đi cơ sở, một người làm nhiệm vụ của 3 người. Ảnh: Ái Kiều |
Tại Phòng Y tế huyện Lý Sơn, từ năm 2014 đến nay chỉ có 1 chuyên viên và 1 kế toán. Lãnh đạo phòng do... Phó Chánh Văn phòng huyện phụ trách. Phòng Y tế huyện Đức Phổ cũng có 2 người, gồm 1 trưởng phòng và 1 chuyên viên.
Còn Phòng Y tế huyện Bình Sơn cũng chỉ có 1 trưởng phòng và nhân viên kế toán – tổng hợp... Vì nhân lực quá mỏng, nên phòng y tế ở các địa phương hoạt động cầm chừng, nếu không phối hợp với trung tâm y tế, thì khó hoàn thành nhiệm vụ.
Là cơ quan tham mưu cho UBND cấp huyện quản lý trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên các phòng y tế lại không có chức năng quản lý các đơn vị y tế trên địa bàn. Vai trò “mờ nhạt”, nên hiếm có người có nguyện vọng về làm việc tại đơn vị. Những người có trình độ bác sĩ, dược sĩ đều lựa chọn những nơi khám, chữa bệnh trực tiếp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và được hưởng mức thu nhập cao hơn. Vậy nên, khi lãnh đạo các phòng y tế nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, thì nhân lực của phòng y tế lại càng thêm thiếu hụt.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nên sáp nhập Phòng Y tế và Trung tâm y tế cấp huyện về một mối. Theo Trưởng Phòng Y tế huyện Bình Sơn Huỳnh Công Thư, nếu muốn phòng y tế hoạt động hiệu quả thì phải bố trí thêm nhân lực. Trong trường hợp không thể tháo gỡ được khó khăn về nhân lực, thì nên gộp phòng y tế và trung tâm y tế huyện về một đơn vị.
Cùng quan điểm, Phó Chánh Văn phòng huyện Lý Sơn Dương Thị Hoàng Dung cho rằng nên “xóa” phòng y tế, bởi Trung tâm Y tế huyện cũng có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, quản lý dược, nên cần chuyển 1 biên chế về trung tâm, còn 1 biên chế giao về cho Văn phòng huyện bố trí thành chuyên viên phụ trách lĩnh vực y tế. “Nếu có chủ trương sáp nhập Phòng Y tế với Trung tâm Y tế sẽ phần nào gỡ khó trong vấn đề nhân lực”, Phó trưởng Phòng Y tế huyện Tư Nghĩa Phạm Thị Thu Ba đề xuất.
Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cũng cho rằng, chức năng của phòng y tế trùng lắp với trung tâm y tế, vì thế nên giải thể, sáp nhập với trung tâm y tế, quy về một đầu mối để giảm đầu mối tổ chức, khắc phục sự chồng chéo như hiện nay.
Vừa qua, TP.Quảng Ngãi đã làm đề án giải thể Phòng Y tế và chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế cho Văn phòng TP.Quảng Ngãi. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết: Sở đã nhận được công văn của TP.Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, theo Công văn số 5954 của Bộ Nội vụ, thì cấp tỉnh tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Do đó, Sở đã đề nghị UBND TP.Quảng Ngãi tạm dừng sắp xếp các cơ quan chuyên môn cho đến khi có quy định thống nhất của Chính phủ. Khi đó, Sở sẽ hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện.