(Baoquangngai.vn)- Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với trẻ em, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất, thị giác, tăng cường kháng thể. Vì vậy, việc bổ sung thêm vi chất này trong chế độ dinh dưỡng của trẻ là điều hết sức quan trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vai trò của vitamin A giúp trẻ lớn lên và phát triển tốt hơn, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi; giúp bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết nên làm giảm nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu chảy, kém hấp thu; tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; tăng sức đề kháng với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn như: Lao, sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp.
Bác sĩ Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân thiếu vitamin A ở trẻ em chỉ xảy ra khi lượng vitamin A ăn vào không đủ và vitamin A dự trữ đã hết (ở gan).
Cơ thể của trẻ em không tự tổng hợp vitamin A được mà phải lấy loại vi chất này từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là chế độ ăn, uống nghèo vitamin A và Caroten là chất khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A.
Đối với trẻ đang bú mẹ (trong 6 tháng đầu) thì nguồn vitamin A hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ, trong thời kỳ này nếu chế độ ăn của người mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thiếu vitamin A ở trẻ.
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, nhiễm giun, sởi… thì lúc này nhu cầu Vitamin A của trẻ tăng lên để tái tạo lại các biểu mô, tạo kháng thể để chống đỡ lại với các bệnh nhiễm trùng.
Suy dinh dưỡng thường kéo theo thiếu Vitamin A vì cơ thể thiếu năng lượng trường diễn trong đó có chất béo để tham gia việc chuyển hóa Vitamin A. Nhiễm trùng và suy dinh dưỡng làm hạn chế hấp thu, chuyển hóa vitamin A đồng thời nó còn làm tăng nhu cầu sử dụng Vitamin A, ngược lại thiếu Vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và suy dinh dưỡng. Như vậy nó tạo thành một vòng xoắn bệnh lý làm bệnh thêm trầm trọng và làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ.
Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A vì giai đoạn này trẻ đang lớn nhanh cần rất nhiều vitamin A, sự thay đổi sang giai đoạn ăn bổ sung, bỏ bú và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu vitamin A. Trẻ không được bú mẹ hoặc không bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao.
Để phòng thiếu vitamin A ở trẻ em, theo bác sĩ Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, trong thời kỳ mang thai và cho con bú mẹ cần ăn, uống đủ chất, nhất là ăn những thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm, dầu, mỡ. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và bổ sung thức ăn giàu vitamin A như: gan, thịt, cá, trứng, sữa, dầu cá, cà rốt, gấc, bí đỏ, khoai lang, rau ngót, rau muống, rau dền, rau diếp, xà lách, hồng, đu đủ, xoài…
Trong chương trình phòng chống thiếu Vitamin A được triển khai trên toàn quốc, trẻ em từ 6 -36 tháng tuổi được bổ sung định kỳ 2 đợt/năm vào ngày 1-2/6 và 1-2/12; và trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc các bệnh có nguy cơ cao thiếu Vitamin A như: viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, suy dinh dưỡng nặng… thì đưa trẻ đến ngay trạm y tế để được được khám, điều trị và uống bổ sung Vitamin A, tiếp tục cho trẻ ăn những thức ăn giàu vitamin A để phòng bệnh do thiếu vitamin A.
Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ vì một lý do nào đó thì cần phải được uống bổ sung viên vitamin A chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Phụ nữ sau sinh trong vòng một tháng cần được bổ sung 1 liều vitamin A. Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Thiếu vitamin A gây khô mắt, dẫn đến mù lòa, làm tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong, trẻ còi cọc, chậm tăng cân và chiều cao, ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học. Vì thế chúng ta cần bổ sung vitamin A cho trẻ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ được lớn lên khỏe mạnh.
MINH HIỀN