(Báo Quảng Ngãi)- Khác với thuốc chữa bệnh là dùng riêng lẻ cho từng người bệnh, thì vắc xin được dùng cho hàng loạt người, chủ yếu là trẻ nhỏ, mà lứa tuổi này thì sức đề kháng yếu. Do đó, cần đảm bảo điều kiện “trẻ khỏe”, thì mới tiêm chủng, nên vai trò của người đưa trẻ đi tiêm chủng vô cùng quan trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày nay, vắc xin được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì là một biện pháp hiệu quả, để nâng cao sức khoẻ. Trẻ em ở tất cả các quốc gia đều được tiêm chủng thường xuyên phòng ngừa các bệnh chủ yếu và biện pháp này đã trở thành chính sách trung tâm trong các nỗ lực về y tế công cộng trên toàn thế giới.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đang tiêm phòng cho trẻ. |
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên cho biết: Khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần thiết phải lưu ý một số vấn đề sau, đó là đi đúng lịch theo giấy hẹn; cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe của trẻ trong thời gian 3 ngày trước khi tiêm, để thông tin cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của cháu như: Đang bị đau, nhiễm trùng, có sốt hoặc đang dùng thuốc gì không? Từ đó bác sĩ khám sàng lọc chỉ định có tiêm hay không tiêm vắc xin trong đợt này.
Các bậc cha mẹ cũng phải mang theo giấy tiêm chủng hoặc phiếu mời, trên cơ sở đó sẽ biết được đợt này con chúng ta sẽ được tiêm loại gì, tác dụng loại đó trên cơ thể trẻ như thế nào. Nên cho trẻ bú hoặc uống nước đường trước khi đưa cháu đến các điểm tiêm, phòng trường hợp cháu đói, có thể xảy ra tình trạng phản ứng không mong muốn sau khi tiêm.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý những trường hợp chống chỉ định tạm thời khi trẻ có các dấu hiệu sau: Khi trẻ sốt trên 37,50C hoặc hạ thận nhiệt dưới 35,50C; đối với những trẻ sinh non dưới 2500 gram; trẻ đang bị nhiễm trùng cấp tính, sốt cao; trẻ đang sử dụng liệu pháp globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng gần nhất, ngoại trừ đang dùng globulin trong điều trị viêm gan B vẫn có chỉ định được tiêm; cháu đã hoặc đang sử dụng liệu pháp corticoide trong vòng 14 ngày. Cuối cùng là chống chỉ định của nhà sản xuất vắc xin cho từng loại vắc xin cá biệt.
Bác sĩ Hồ Minh Nên lưu ý: Chống chỉ định tuyệt đối không sử dụng vắc xin cho những trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng với những vắc xin tiêm trước đó như sốt cao, co giật, tím tái; trẻ suy giảm miễn dịch, đặc biệt những trẻ bị lây nhiễm HIV từ người mẹ, hoặc trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh; thứ 3 là suy chức năng các cơ quan, suy đa phủ tạng.
Để đảm bảo chất lượng tiêm chủng, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng cần nắm rõ thời gian tiêm chủng tại nơi cư trú và các loại vắc xin trẻ được tiêm từng đợt. Phụ huynh phải chuẩn bị kỹ trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm đúng lịch, đúng thời gian quy định và cũng phải tìm hiểu kỹ những phản ứng sau tiêm chủng và cách xử trí, để an toàn cho trẻ.
Bài; ảnh: KIM LIÊN