(Baoquangngai.vn)- Bao đời nay, đồng bào vùng cao đã biết sưu tầm, truyền cho các thế hệ những bài thuốc quý hiếm, hầu hết đều là cỏ cây, lá rừng gắn liền với cuộc sống của đồng bào. Rễ khỉ với tác dụng kháng khuẩn, mau lành vết thương là một trong những bài thuốc dân gian ấy.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện, “kháo nhau” về rễ khỉ, một loại thuốc có khả năng trị lành vết thương và được nhiều người săn tìm, đặt mua. Tò mò về công dụng của loại rễ này, chúng tôi đã có một chuyến ngược lên vùng cao Sơn Hà, một trong những địa phương còn có nhiều người lưu truyền bài thuốc quý này trong cuộc sống hằng ngày của gia đình.
Tại một góc ven đường ở thôn Nước Rạc, thị trấn Di Lăng, bà Võ Thị Lược, 60 tuổi rôm rả chào mời khách đến mua hàng ở quầy thuốc dân gian của mình, với đủ các loại thuốc bắc, nam. Bà Lược cho hay, quầy thuốc của bà loại nào cũng còn nhiều, duy chỉ có loài rễ khỉ khan hiếm vào mùa nắng nóng, lại có nhiều người đặt mua thường xuyên nên cũng chỉ còn vài ký.
|
Anh Hải là một người có nhiều am hiểu về rễ khỉ.
|
Theo bà Lược, tên gọi rễ khỉ do chính các cụ cao niên trong vùng đặt tên. Trước đây, trong quá trình đi làm nương rẫy, đồng bào phát hiện có một loại rễ cây mà khỉ già vẫn thường hay dùng để điều trị cho khỉ con mỗi khi chúng bị thương. Nhận thấy loại rễ này có công dụng khá hữu nghiệm nên ưu ái dùng tên của những chú khỉ để đặt tên cho cây thuốc quý từ câu chuyện đã tương truyền, như muốn nhắc đến khỉ chính là loài đã phát hiện ra loại thuốc quý này.
Áp dụng từ cuộc sống của loài khỉ, nhiều đồng bào vùng cao sau khi về với buôn làng, họ áp dụng cho chính người thân của mình và mang lại hiệu quả tích cực. Tiếng lành đồn xa, tác dụng của rễ khỉ dần dà được nhiều người biết đến hơn và lưu truyền rộng rãi.
|
Trong các loại rễ khỉ thì rễ khỉ trắng có nhiều công dụng nhất nhưng lại rất khan hiếm.
|
Theo anh Lê Văn Hải, 36 tuổi, một cán bộ ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, nhà anh từ trước đến nay luôn xem rễ khỉ là loại thuốc quí trong gia đình, với khả năng kháng khuẩn, làm mau lành vết thương rất tốt.
“Cách đây hai tuần trên tay tôi có một vết thương rất nặng, tôi đã thoa trực tiếp thuốc rễ khỉ được ngâm sẵn với rượu, khoảng một tuần sau vết thương liền da và nhanh chóng bớt sau đó. Bệnh đại tràng, gan nhiễm mỡ của tôi cũng thuyên giảm đáng kể sau khi uống rễ khỉ”, anh Hải cho hay.
|
Còn đây là loại rễ khỉ đỏ.
|
Trong ba loại rễ khỉ gồm có rễ đỏ, rễ trắng, rễ vàng đỏ (phân loại theo màu sắc bên trong của rễ) thì loại rể trắng phát huy tác dụng tốt nhất. Rễ sau khi được mang từ núi rừng về sẽ sơ chế và phân loại theo từng nhóm, thái thành từng miếng nhỏ mang đi phơi khô.
Rượu trắng ngâm với rễ khỉ là bài thuốc đồng bào sử dụng phổ biến nhất. Sau một thời gian, mủ tiết ra từ rễ khỉ hòa quyện cùng rượu đặc sánh. Hợp chất này bôi lên da sẽ sát trùng vết thương, da bị trầy sướt mau chóng bớt ngay. Đây còn là vị thuốc đặc trị ngứa, lang beng rất hiệu quả.
|
Rễ khỉ ngâm rượu là bài thuốc sát trùng, chữa mau lành vết thương hiệu quả.
|
Ở Quảng Ngãi, sự sống của rễ khỉ hiện diện rất nhiều ở các cánh rừng nguyên sinh ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ, nhất là những vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Nó là một dạng rễ nổi, có hình thù như cây hoàng liên đắng, leo bò nhiều trên những cây cổ thụ, dù còn tươi hay khô đều có mủ. So với trước đây, hiện nay rễ khỉ khó tìm kiếm hơn.
“Rễ khỉ có giá trung bình từ 70.000- 100.000 đồng/kg tùy loại. So với công sức mà đồng bào bỏ ra để đi đến tận rừng sâu mang về thì giá cả này cũng phải chăng. Dù nhiều người đặt nhưng không có hàng để bán, mình thu mua về cũng chỉ đủ chia lại cho bạn bè, người thân mỗi người một ít để sử dụng”, anh Hải cho biết thêm.
Hiệu quả, công dụng của rễ khỉ đối với trị lành vết thương là có thật trong đời sống hằng ngày của đồng bào vùng cao. Trong điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, hạn chế thì rễ khỉ là bài thuốc dân gian hiệu nghiệm.
Hiện nay, thông tin về loại rễ khỉ chưa phổ biến nhiều trên “internet”, để phát huy hiệu quả sử dụng và có hướng bảo tồn cây thuốc quý, tránh khai thác cạn kiệt, các cấp, ngành, chức năng cần có hướng bảo tồn loại thuốc quý này, các chuyên gia đi sâu vào phân tích về các thành phần, công dụng để người dân sử dụng một cách an toàn.
Bài, ảnh: Thiên Hậu