Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, viêm dạ dày là căn bệnh khá phố biến ở nước ta. Nguyên nhân viêm dạ dày có rất nhiều như nhịp sống căng thẳng, chế độ ăn sinh hoạt thất thường, tăng bài tiết axit bất thường làm tổn thương dạ dày, lạm dụng thuốc... Đặc biệt là có sự hiện diện của vi khuẩn HP gây ra tổn thương viêm, thậm chí ung thư dạ dày.
Theo thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam tại nước ta tỷ lệ viêm dạ dày do vi khuẩn HP chiếm đến 70% các ca viêm dạ dày.
PGS. TS Nguyễn Thị Vân Hồng cũng cho hay, vi khuẩn HP có tên là Helicobacter pylori cư trú chủ yếu ở dạ dày. Vi khuẩn HP gây ra bài tiết axit làm tổn thương dạ dày. Nếu như viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP mà không diệt trừ thì gây ra tổn thương viêm loét dạ dày và tổn thương viêm loét rất khó chữa.
Cũng theo PGS. Hồng vi khuẩn HP là vi khuẩn lây lan cực kỳ dễ qua đường ăn uống thông thường. Và trong môi trường dịch tễ cao vi khuẩn HP lây truyền dễ dàng từ người này sang người kia nên việc kiểm soát HP trong cộng đồng trở lên vô cùng khó khăn.
“Nếu trong gia đình có người nhiễm HP thì tỷ lệ nhiễm HP trong gia đình lên đến 80% - 90%”, PGS. Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, nguyên phó trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định, nhiều người cứ nói nhiễm HP là ung thư dạ dày, điều này không hoàn toàn đúng, vì phải tùy vào từng loại vi khuẩn HP. Có những tuýp nguy hiểm ở đó có sự xuất hiện của các kháng nguyên bề mặt như Vag A, Cag A là những chủng nguy hiểm.
Tại Việt Nam dù tỷ lệ mắc HP cao nhưng đa phần là vi khuẩn lành tính. PGS. Hồng dẫn chứng, như ở Nhật Bản tỷ lệ nhiễm HP thấp hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ ung thư dạ dày ở Nhật Bản do vi khuẩn HP lại cao hơn ở nước ta.
Vì vi khuẩn HP lây lan rất dễ nên PGS. Hồng khuyến cáo,người dân cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam đang báo động do đó nguy cơ lây nhễm chéo lớn, vì thế đối với cộng đồng nhỏ như gia đình việc tránh lây nhiễm chéo bằng cách giữ an toàn thực phẩm thật tốt.
Tầm soát HP cách nào?
Như đã nói, HP cũng là một trong những căn nguyên gây ra bệnh ung thư dạ dày, viêm dạ dày rất khó chịu, vì vậy việc tầm soát HP cũng được rất nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, PGS. Hồng cũng cho biết, để tầm soát HP dựa vào đối tượng nào chứ không phải tầm soát toàn bộ. Hiện nay có nhiều phương pháp tầm soát HP trong đó phương pháp CO test được dùng khá phổ biến, nhưng COtest chỉ dùng trong cộng đồng nếu mà dùng xét nghiệm này cho từng cá thể thì không có giá trị nhiều.
“Trong thực hành lâm sàng chúng tôi hay áp dụng các phương pháp khác như là test nhanh khi làm nội soi, và mô bệnh học, hai phương pháp được áp dụng nhiều hơn cả. Ngoài ra, còn có phương pháp khác đó là test thở. Test thở hơn các phương pháp trên ở chỗ là định lượng được HP trên cá thể là bao nhiêu, vì có định lượng được nên sau quá trình điều trị thì bác sĩ sẽ xác định được rõ lượng vi khuẩn trước và sau điều trị, nếu nồng độ HP đã xuống và tiệm cận gần với giá trị bình thường thì mức độ lo lắng không còn nữa. Test thở có độ đặc hiệu cao nhất”, PGS Hồng nói.
Những ai phải điều trị HP?
Chia sẻ về các phương pháp điều trị vi khuẩn HP, PGS. Hồng cho hay, không phải 100% người nhiễm HP thì phải tiêu diệt, việc tiêu diệt HP tùy thuộc chủng cũng như biểu hiện trên lâm sàng. Vì thế, đối với nhiễm HP mà trên lâm sàng đặc biệt qua nội soi phát hiện tổn thương thì cần phải tiêu diệt , hoặc tiền sử trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, hoặc người trên 40 tuổi có nguy cơ cao thì nên diệt trừ HP.
Cách diệt trừ vi khuẩn HP hiện nay là phác đồ dùng thuốc giảm bài tiết axit kéo môi trường PH của dạ dày lên cao, bình thường PH của dạ dày dưới là 1,8 lúc đó vi khuẩn HP rất dễ sinh sôi nảy nở nên phải kéo môi trường lên cao hơn khoảng 4,1. Ngoài ra, dùng phối hợp với kháng sinh để tiêu diệt HP. Trước đây, để diệt HP chỉ dùng một loại kháng sinh, nhưng bây giờ phải dùng phối hợp 2 đến 3 loại kháng sinh mới có thể diệt được. Điều đó nói lên tình trạng kháng kháng sinh HP ngày càng gia tăng.
“Diệt trừ vi khuẩn HP với phác đồ mới hiện nay khả năng thành công lên đến 80% -90%, nhưng HP lây dễ dàng theo đường ăn uống nên dễ tái nhiễm trở lại trong cộng đồng khá cao”, PGS. Hồng nói.
Lứa tuổi nào cũng có thể mắc viêm loét dạ dày với những người trẻ, loét hành tá tràng hay gặp hơn cả, ở những người trung niên, viêm loét hành tá tràng vẫn xuất hiện cùng với viêm loét dạ dày, còn người cao tuổi thì bệnh hay gặp ở dạ dày.
Biểu hiện của viêm dạ dày nói chung âm ỉ, khó phát hiện thậm chí không phát hiện ra triệu chứng. Có khi thấy nôn, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, triệu chứng tổn thương viêm loét lặp đi, lặp lại, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng có tính chất chu kỳ lặp đi lặp lại theo mùa hay theo nhịp ngày đêm, bữa ăn.
Để chẩn đoán viêm dạ dày dựa vào nội soi sẽ phân định là viêm dạ dày cấp hay viêm dạ dày mãn. Trong viêm dạ dày mãn thì có viêm phù nề, xuất huyết, viêm teo,trợt loét lồi hay trợt loét lõm. Tùy vào mức độ viêm mãn tính ở mức độ như thế nào thì sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Nếu là viêm teo niêm mạc ở mức độ nặng thì nguy cơ ung thư dạ dày rất cao so với viêm phù nề, xung huyết.
Theo H.Nguyên/SKĐS