Tự chủ tài chính bệnh viện công lập: Nơi thuận lợi, chỗ khó khăn

10:04, 07/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện tự chủ tài chính (TCTC) tại một số bệnh viện công theo chủ trương của Bộ Y tế là động lực thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh, tạo sự cạnh tranh giữa y tế công và tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị gặp khó khăn, nhất là cơ sở y tế miền núi.

TIN LIÊN QUAN

Tạo động lực phát triển

Chủ trương TCTC trong hệ thống y tế công lập nhằm giảm chi ngân sách, chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua BHYT, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế...

Các đơn vị y tế miền núi, hải đảo gặp khó khăn trong việc tự chủ tài chính hoàn toàn. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị tại Khoa Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế huyện Minh Long.
Các đơn vị y tế miền núi, hải đảo gặp khó khăn trong việc tự chủ tài chính hoàn toàn. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị tại Khoa Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế huyện Minh Long.


Hiện tại, một số bệnh viện đã được trao quyền tự chủ bảo đảm chi phí hoạt động. Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Giới cho biết: Việc giao quyền TCTC đối với bệnh viện công lập, nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế phải có sự cải thiện về cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và đưa ra chiến lược phát triển cụ thể. Bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn cơ sở y tế khám, chữa bệnh tốt nhất.

Bắt đầu từ năm 2019, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã chuyển sang TCCT 100%. Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lê Quang Quỳnh chia sẻ: “Hiện nay, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Khi TCTC, bệnh viện từng bước đầu tư mở rộng cơ sở và tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nâng cao y đức, cải thiện tinh thần thái độ phục vụ, để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”.

Trong khi đó, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh mới đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng đơn vị đã TCTC hoàn toàn. Để đảm bảo hoạt động, bệnh viện đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế, cải thiện y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn triển khai đa dạng các loại hình dịch vụ, tập trung phát triển kỹ thuật mũi nhọn, chuyên sâu, đồng thời quản lý bệnh viện theo các quy trình chuẩn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, để từng bước thu hút người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến nay cũng tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên trong hoạt động. Mỗi năm doanh thu của bệnh viện đạt khoảng 240 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Bệnh viện đã đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện đón tiếp khoảng hơn 1.200 lượt người bệnh đến khám, điều trị.

Nhiều đơn vị than khó

Bên cạnh cơ hội thuận lợi để phát triển, các bệnh viện khi tự chủ bị cắt giảm nguồn ngân sách cũng sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nguyễn Thanh Quang Vũ cho biết: "Đến nay, đơn vị đã tự chủ trên 60%. Tuy nhiên, với đặc thù bệnh viện chuyên khoa tâm thần, người bệnh đến khám, điều trị đa phần khó khăn, nên việc tiến tới tự chủ hoàn toàn đối với đơn vị là một thách thức".

Đối với tuyến y tế miền núi, việc tiến tới TCTC hoàn toàn là điều rất khó thực hiện. Bởi với đặc thù là đơn vị y tế vùng khó khăn, các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu khó phát triển, chất lượng điều trị chưa cao vì thiếu nhân lực chuyên khoa sâu... nên khó thu hút người bệnh. Thêm vào đó, tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, cùng với việc thông tuyến BHYT đối với tuyến huyện và tới đây là tuyến tỉnh, khiến các bệnh viện càng khó thu hút bệnh nhân.

Ngoài ra, do nguồn kinh phí hoạt động của các bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào thu dịch vụ khám, chữa bệnh, BHYT, nên một số đơn vị gặp khó khăn trong thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn Quỹ BHYT, khiến TCTC chưa đạt hiệu quả như mong muốn.


Bài, ảnh: KN



 


.