Mầm lúa - Thuốc điều vị hòa trung, bổ hư nhuận phế

08:03, 25/03/2019
.

Mầm lúa còn gọi cốc nha, là hạt chín già đã mọc mầm khô của cây lúa tẻ (Oryza sativa L. var utilissima), họ lúa (Poaceae).

Trong cốc nha có chứa protein, đường mantose, sacaroza, các men amylaza và mantaza, sinh tố B và C, lexitin, Fe, Ca, P.

Theo Đông y, cốc nha vị ngọt tính ôn; vào kinh tỳ và vị. Có tác dụng điều vị hoà trung, an thai chỉ thống, bổ hư nhuận phế sinh tân, chỉ khái nhuận tràng. Dùng cho người cơ thể suy nhược, đau do loét dạ dày tá tràng, viêm khí phế quản, ho khan đờm dính, táo bón.

Mạch nha (mầm mạch) và cốc nha (mầm lúa) có tác dụng kiện vị, giúp tiêu hoá như nhau; nhưng tác dụng giúp tiêu hoá của mầm mạch mạnh hơn, còn tác dụng dưỡng vị của mầm lúa mạnh hơn; vì vậy thường kết hợp 2 vị này để điều trị tiêu hoá không tốt. Liều dùng, cách dùng: 10 - 60g dạng canh, nước sắc, hãm trà thuốc.


Một số bài thuốc có dùng mầm lúa

Tiêu thực hoá tích: Dùng khi thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng đau.

Bài 1: mầm lúa sao, mầm mạch sao, sơn tra sao xém, thần khúc sao xém mỗi vị 12g; lai phục tử 8g. Sắc uống. Trị thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng, miệng hôi.

Bài 2: mầm lúa 12g; thương truật, kê nội kim, cam thảo mỗi vị 8g. Sắc uống. Trị tiêu hoá không tốt, ăn không ngon miệng.

Bài 3: mầm lúa sao vàng tán bột. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 15g. Trị bệnh hư phù do thiếu vitamin B1, ăn không tiêu.

Khai vị ăn ngon: Dùng khi tỳ vị hư nhược, kém ăn.

Bài 1 - Hoàn cốc thần: mầm lúa 20g, cam thảo 8g, sa nhân 4g, bạch truật 12g. Sắc uống. Trị tỳ vị hư nhược, tiêu hoá không tốt, nôn, tiêu chảy, kém ăn.

Bài 2: mầm lúa 20g; sơn tra, thần khúc, kê nội kim mỗi vị 12g. Sắc uống. Chữa chán ăn, khó tiêu, đau trướng vùng thượng vị.

Cai sữa: mầm lúa 12 - 15g. Sắc uống. Dùng cho phụ nữ sau sinh muốn ngừng cho con bú (cai sữa).
Một số món ăn thuốc có cốc nha

Cốc nha sa nhân thang: cốc nha 20g, mạch nha 10g, sa nhân 2g. Cốc nha, mạch nha nghiền bột, hoà tan trong nước sắc sa nhân cho uống. Dùng rất tốt cho người đau bụng đe doạ sẩy thai ở phụ nữ có thai.

Gà hầm cốc nha thục địa: gà mái 1 con; cốc nha, mạch nha, thục địa mỗi vị 50g. Gà làm sạch bỏ ruột; cho dược liệu vào trong bụng gà, thêm ít gia vị hầm cách thủy nhỏ lửa. Chia ăn vài lần trong ngày. Dùng tốt cho người lao phổi khái huyết, viêm khí phế quản mạn tính, ho khan dài ngày, đau do loét dạ dày tá tràng.

Nước ép củ cải cốc nha: nước ép củ cải trắng 1 bát (1 cốc nước), cốc nha 30g. Cốc nha nghiền bột, hoà với nước củ cải, chưng cho sôi và tan đều, uống. Dùng tốt cho người bị ho gà, ho dài ngày do viêm khí phế quản mạn tính...

Chè cốc nha can khương đậu xị: đậu xị 30g, cốc nha 150g, can khương 15g. Đậu xị nấu với 1.000ml nước, cho cốc nha vào, khuấy tan đều, cho can khương, nấu sắc tiếp ta được chè đậu xị cốc nha can khương, chia 3 lần ăn trong ngày. Dùng rất tốt cho những người bị viêm khí phế quản do phong hàn, ho nhiều đờm dai dẳng.

Kiêng kỵ: người bị chứng thấp nhiệt đầy tích, không tiêu, nôn thổ không nên dùng.
 

Theo BS. Tiểu Lan/SKĐS

 


.