Gia tăng bệnh dại mùa nắng nóng

10:03, 27/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Bước vào mùa nắng nóng, bệnh dại ở chó, mèo bắt đầu lây lan mạnh. Từ đầu năm đến nay, số người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng trên địa bàn tỉnh tăng vọt.
Nuôi chó giữ nhà là thói quen từ lâu của nhiều gia đình ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, việc thả rông chó trong điều kiện thời tiết nắng nóng đã khiến cho bệnh dại tăng cao. Từ giữa tháng 2.2019, số người bị chó cắn có dấu hiệu tăng đột biến. Đặc biệt, từ sau Tết, đã có gần 400 người đến tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi.
 
Anh Trần Văn Huy- ngụ ở phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi vừa bị chó cắn. Lo lắng cho tính mạng, anh liền đi chích ngừa. Sau khi được xem xét vết cắn khá sâu ở tay, anh được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại. “Bị chó, mèo cắn mà không tiêm phòng thì rất nguy hiểm. Mình không lường trước được là con vật cắn mình có bị dại không nên cứ đi tiêm cho đảm bảo”- anh Huy chia sẻ.
 
Bước vào mùa nắng nóng, số người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng dại ngày càng tăng
Bước vào mùa nắng nóng, số người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng dại ngày càng tăng
 
Sau khi tiêm phòng, cán bộ y tế cũng nhắc nhở anh Huy cần phải được chích ngừa đúng theo chỉ định bao gồm 5 mũi tiêm phòng. Đây là biện pháp duy nhất và hiệu quả để cứu chữa những đối tượng bị động vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại.
 
Chỉ trong một buổi sáng, Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi đã có gần 15 ca bị chó, mèo, chồn… cắn, cần được chích ngừa. Điều đáng nói, có đến hơn 1/3 số ca được chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại vì vết cắn sâu.
 
Cử nhân điều dưỡng Hồ Thị Kim Thuyên cho biết: Trong số gần 400 ca bị cho cắn từ sau Tết đến nay thì có hơn 100 ca phải tiêm huyết thanh. Do các trường hợp này bị súc vật cắn sâu ở tay, chân, đầu cổ và vị trí gần các dây thần kinh trung ương.
 
“Ngoài xác định đúng vị trí vết cắn như đầu mặt cổ, thân, tay chân thì phải xác định được mức độ vết thương để có biện pháp xử trí đúng cách”- Điều dưỡng Thuyên nói thêm.

 

Ngành Y tế đã chủ động đảm bảo đủ nguồn vắc xin ngừa bệnh dại cho người dân
Ngành Y tế đã chủ động đảm bảo đủ nguồn vắc xin ngừa bệnh dại cho người dân
 
Những năm trước, do bệnh dại liên tục gia tăng vào mùa nắng nóng nên tình trạng thiếu vắc xin phòng dại luôn xảy ra. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn trong quá trình điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo cắn. Năm nay, để hạn chế tình trạng này, Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi đã chủ động nguồn vắc xin dại.
 
Ông Huỳnh Hữu Lục- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi cho hay: Năm trước, do các địa phương khan hiếm vắc xin dại nên các trường hợp cần tiêm đều đổ về Trung tâm. Có thời điểm, không đủ nguồn để tiêm đúng hẹn cho người dân.
 
Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, ngay từ đầu, Trung tâm đã đăng kí với nhiều công ty cung cấp vắc xin dại để phòng trường hợp công ty này không cung cấp đủ thì sẽ liên hệ với đơn vị khác, đảm bảo nguồn vắc xin cho người dân có nhu cầu.
 
Trung bình, mỗi năm Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi cung cấp hơn 12 nghìn liều vắc xin và huyết thanh kháng dại. Trong đó, có hơn 4 nghìn liều huyết thanh kháng dại. Các trường hợp cần tiêm tập trung chủ yếu vào giai đoạn mùa nắng nóng.
 
Cách phòng bệnh dại hiệu quả nhất vẫn là không thả ruông vật nuôi và tuân thủ tiêm phòng cho vật nuôi đúng quy định
Cách phòng bệnh dại hiệu quả nhất vẫn là không thả ruông vật nuôi và tuân thủ tiêm phòng cho vật nuôi đúng quy định
 
Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều gia đình nuôi chó, mèo nhưng không tiêm phòng, nuôi kiểu thả rông. Khi bị chó, mèo cắn, thì người dân cần theo dõi và đi đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đúng quy định.
 
Trên thực tế, có nhiều trường hợp chủ quan không tiêm phòng đã bị nguy hiểm đến tính mạng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mỗi năm ghi nhận 2-3 trường hợp tử vong do không tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.
 
Ngành y đã khuyến cáo rõ, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, nhưng có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Trong đó, tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại ở người. 
 
Tuy nhiên, cách đề phòng bệnh dại tốt nhất vẫn là tuân thủ tiêm phòng dại cho súc vật, nuôi nhốt cẩn thận, không thả rông chó, mèo. Cách này không chỉ bảo vệ chính gia đình mình mà còn cho cộng đồng. Mọi sự chủ quan có thể trả giá bằng tính mạng con người.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.