Chủ động phòng ngừa bệnh sởi

03:02, 18/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành trong cả nước. Ở tỉnh ta, đến thời điểm này đã ghi nhận 15 ca dương tính với vi rút sởi.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, từ trước Tết đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị 6 ca trẻ em mắc sởi, đây là những bệnh nhân sống ngoại tỉnh về quê ăn Tết. Bé Lê Hồ Bảo Trâm, mới 7 tháng tuổi, mắc sởi đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Chị Hồ Thị Ngọc Thu, mẹ bé Trâm, cho biết: Gia đình làm ăn tại TP.Hồ Chí Minh, 30 tháng Chạp gia đình về Quảng Ngãi ăn Tết, chuẩn bị vào lại thì con mắc sởi phải ở lại điều trị.

 Trẻ em được điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Trẻ em được điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.


Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tiếp nhận cháu bé 8 tháng tuổi mắc bệnh sởi. Đây là những trường hợp chưa đến thời điểm tiêm chủng vắc xin sởi đã mắc bệnh. Giải thích về trường hợp này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hồ Minh Nên cho hay: Khi trẻ sinh ra đã có kháng thể của người mẹ truyền sang và giúp bảo vệ trẻ không mắc sởi. Tới 9 tháng, kháng thể của người mẹ trong cơ thể trẻ bắt đầu giảm, trẻ cần được tiêm vắc xin sởi. Với những trường hợp trẻ dưới 9 tháng mắc bệnh sởi có thể do bản thân người mẹ không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ.

Trong số 15 ca mắc bệnh sởi tại Quảng Ngãi từ đầu năm 2019 đến nay, có 9 ca bệnh đều là những trường hợp theo bố mẹ sinh sống ở ngoài tỉnh về quê ăn Tết. Số còn lại ở huyện Ba Tơ (5 ca), Sơn Tây (1 ca). Các trường hợp mắc sởi đều được cách ly điều trị kịp thời, chưa có trường hợp tử vong.

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã bố trí khu cách ly điều trị và tăng cường sàng lọc, cách ly trẻ ngay tại phòng khám bệnh nếu nghi ngờ mắc sởi, để tránh lây lan cho trẻ xung quanh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tăng cường giám sát các ca nghi sởi, để chủ động cách ly điều trị; đồng thời rà soát số trẻ chưa được tiêm chủng để tiến hành tiêm đủ số mũi vắc xin sởi; chuẩn bị vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch bổ sung, nhằm hỗ trợ đầy đủ cho tuyến huyện, xã, phường, thị trấn đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo bác sĩ Hồ Minh Nên, trong số những bệnh giao mùa thời điểm này, thì sởi là bệnh trẻ em thường mắc phải. Khi bị bệnh sởi, trẻ thường bị viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, phát ban ngoài da và sốt. Một số trường hợp dẫn đến biến chứng, trẻ có thể bị viêm phổi, viêm não, thậm chí là tử vong.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, biện pháp phòng bệnh hiệu quả duy nhất là cho trẻ tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ. Nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi khi 9 tháng tuổi, thì khả năng bảo vệ chỉ ở mức 80 - 85%; khi trẻ được tiêm nhắc lại khi 18 tháng tuổi, thì khả năng bảo vệ lên đến 90 - 95%. Các bậc phụ huynh nên theo dõi lịch tiêm chủng mở rộng tại địa phương và chủ động cho trẻ đi tiêm phòng sởi đúng lịch tại các trạm y tế phường, xã.

"Bệnh sởi lây lan chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Do vậy, khi trẻ mắc bệnh cần phải được cách ly, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Nên khuyến cáo.

 Bài, ảnh: KN


.