(Báo Quảng Ngãi)- Chứng rối loạn trầm cảm trong học sinh (HS) THPT có chiều hướng gia tăng. Điều này dẫn đến kết quả học tập giảm sút và có nguy cơ phát sinh những hành vi nguy hiểm đến tính mạng.
Theo nghiên cứu mới đây của Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ, CKII Nguyễn Thanh Quang Vũ cùng các cộng sự thì tỷ lệ HS THPT bị trầm cảm có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu về tình trạng rối loạn trầm cảm (RLTC) trong học sinh THPT được thực hiện tại TP.Quảng Ngãi.
Các trường học cần tăng cường hoạt động thể dục-thể thao, tổ chức hoạt động ngoại khóa, góp phần giúp HS giảm căng thẳng. (ảnh minh họa) |
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020 trầm cảm đứng hàng thứ hai về nguyên nhân gây ảnh hưởng đến gánh nặng bệnh tật, tử vong của nhân loại. Hiện có 5% dân số thế giới bị RLTC. Ở nước ta ước tính khoảng 3-5% dân số mắc RLTC. Điều đáng lưu ý là những năm gần đây, tỷ lệ trẻ vị thành niên mắc RLTC tăng lên nhanh chóng. Trẻ vị thành niên mắc RLTC luôn có cảm giác bất an, xa lánh gia đình, bạn bè; suy giảm sự tập trung trong học tập, dẫn đến cách ly xã hội, tăng nguy cơ tự sát. |
Đối tượng HS cảm thấy môi trường nhà trường không thân thiện có tỷ lệ RLTC cao gấp 2,1 lần nhóm HS cảm thấy môi trường nhà trường thân thiện. Ngoài ra, áp lực học tập, bệnh mãn tính, không có thói quen luyện tập thể dục là các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc RLTC ở HS.
Kết quả nghiên cứu nói trên có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chủ động thực hiện công tác dự phòng, phát hiện và điều trị sớm RLTC trong HS THPT, tránh được hậu quả do căn bệnh này gây ra đối với bản thân HS, gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, HS THPT thuộc lứa tuổi có sự phát triển nhanh về thể chất và có xu hướng tự lập. Tuy nhiên, trong giai đoạn này trẻ vẫn còn sự phụ thuộc của gia đình để hình thành nên nhân cách của người lớn. Các em thường gặp nhiều khó khăn trong việc trải nghiệm các sự kiện sang chấn trong cuộc sống. Chính vì vậy, sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của người thân trong gia đình dành cho trẻ là rất quan trọng.
Không riêng gì ở TP.Quảng Ngãi mà trên thực tế trong cả nước và trên thế giới tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là đối với trẻ vị thành niên. Có không ít vụ việc đau lòng xảy ra do trẻ RLTC, thậm chí có em đã tìm đến cái chết. “Cần có quan tâm hỗ trợ để phát triển chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường, trong đó triển khai chương trình khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời RLTC ở học sinh.
Ngoài ra, cần có chính sách xây dựng môi trường nhà trường thân thiện và môi trường gia đình hòa thuận; cải cách chương trình giáo dục, giảm tải áp lực học tập, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, nhằm giúp các em có ý thức phòng bệnh”, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ