(Báo Quảng Ngãi)- Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS bị suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến nguy cơ bị mắc nhiều loại bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, trong đó có nhiễm lao/HIV, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh lao có nhiễm HIV/AIDS ở Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn...
Anh T ở TP.Quảng Ngãi phát hiện mình bị nhiễm HIV cách đây gần 6 năm. Sau thời gian điều trị thuốc ARV, mới đây kiểm tra sức khỏe anh được bác sĩ tư vấn điều trị thêm thuốc dự phòng lao. Anh T chia sẻ: “Tôi nghe nói người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao hơn người bình thường. Vì vậy, khi bác sĩ tư vấn tôi liền đi tầm soát bệnh, nhưng may mắn là chưa bị lao. Bác sĩ khuyên điều trị lao tiềm ẩn, nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh lao, nên tôi tích cực tuân thủ điều trị, tránh nguy cơ lây bệnh lao cho vợ, con và những người xung quanh”.
Người bệnh HIV/AIDS cần chủ động khám sàng lọc, điều trị dự phòng bệnh lao để nâng cao sức khỏe. |
Không chủ động như anh T, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhưng không quan tâm sàng lọc và điều trị dự phòng, nên khi phát hiện đến điều trị lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh thì sức khỏe đã suy kiệt, gây khó khăn cho công tác quản lý và điều trị. Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng, đã bị bệnh coi như “hết đời”, nên không quan tâm đến sức khỏe, người thân bỏ mặc, dẫn đến không quan tâm điều trị.
Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao gấp 19 lần so với người không nhiễm HIV và có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cao. |
“Bệnh viện chỉ có chức năng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Các ca bệnh nặng đều chuyển đến Khoa Nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hiện nay, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV trong cộng đồng. Người bệnh đến khám, điều trị và khai báo địa chỉ không đúng, có trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, dẫn đến bệnh ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Đăng Trình, Trưởng phòng Tổng hợp, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh cho biết.
Đối với bệnh nhân HIV sẽ suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh lao, gia tăng tỷ lệ tử vong. Theo thống kê, qua điều trị bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận, điều trị khoảng trên 30 bệnh nhân. Mặc dù tỷ lệ mắc lao ở người nhiễm HIV đến bệnh viện điều trị không cao, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm khác khi không được kiểm soát, hoặc người bệnh không chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra, thăm khám. Quá trình điều trị đối với người nhiễm HIV nhưng mắc bệnh lao cũng gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Đặng Ngọc Giao chia sẻ: Bệnh nhân lao có nhiễm HIV/AIDS đến bệnh viện thường khi bệnh đã chuyển biến nặng, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, gia đình ít quan tâm chăm sóc. Một số trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, nên phải kéo dài thời gian điều trị, có trường hợp dẫn đến kháng thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát bệnh lao.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG