(Báo Quảng Ngãi)- Mưa kéo dài gây ngập úng, hoặc độ ẩm cao làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường sống. Rác thải, nước thải và sự phát triển của côn trùng, ruồi nhặng, muỗi truyền bệnh cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thực phẩm, nếu không được bảo quản, chế biến đúng cách.
Là xã nằm ven sông Trà, vào mùa mưa bão, người dân thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên sống trong cảnh ngập lụt. Ngay khi nước rút, người dân trong thôn tập trung vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lấp kín các nơi ao tù, nước đọng và dọn dẹp, làm sạch các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước bẩn...
Bên cạnh đó, cán bộ trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn cũng tích cực và thường xuyên đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách dự trữ lương thực, xử lý nước giếng, ăn chín uống sôi, nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa mưa bão, lũ lụt.
Ngành y tế giúp dân khử khuẩn nguồn nước giếng trong mùa mưa lũ năm 2017. Ảnh: TL |
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Văn Oai cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả của thời tiết bất thường, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai và không để dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, đơn vị y tế địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân chọn lựa, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, với sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, tập trung tuyên truyền để cộng đồng phối hợp thực hiện “ăn chín, uống chín”. Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi dùng. Rửa tay sạch trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng. Dụng cụ, bát đũa cần rửa sạch và nhúng nước sôi trước khi ăn...
Ngành y tế đã tập trung hướng dẫn người dân cách bảo quản lương thực, thực phẩm tránh ẩm, mốc, mối mọt và ngập nước; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập; xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh; thu gom rác thải, xác động vật chết, chôn lấp theo quy định; nạo vét, khơi thông cống rãnh bảo đảm vệ sinh môi trường...
Các cơ quan chức năng ở địa phương cần tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là các thực phẩm thiết yếu, phổ biến... Phát hiện sớm, xử lý kịp thời những thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Trong thời điểm bão, lũ xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết do bệnh, chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm. Sau khi bão, lũ, chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh giếng nước, công trình công cộng bị ô nhiễm, bổ sung vitamin và rau xanh vào khẩu phần ăn, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm...
Để vệ sinh môi trường, cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn xác động vật; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ...
PV