Áp lực tinh giảm hợp đồng lao động ngành y

05:12, 12/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đến ngày 31.12.2018, các đơn vị sự nghiệp công lập phải hoàn tất việc chấm dứt các hợp đồng lao động. Với ngành Y, thực hiện chỉ đạo này có phần khó khăn vì nhiều cơ sở y tế sẽ rơi vào tình trạng không đủ người để thực hiện công tác khám, chữa bệnh. 

TIN LIÊN QUAN

Theo Kế hoạch 126 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến ngày 31.12.2018 tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập phải hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các nhân viên hợp đồng.
 
Trong đó, ngành Y phải cắt giảm đến 970 nhân viên, chủ yếu là điều dưỡng, y tá đang làm việc tại các cơ sở y tế của tỉnh. Tuy nhiên, khi áp dụng kế hoạch này vào ngành đặc thù là Y tế thì tình trạng thiếu hụt nhân lực, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân là điều tất yếu sẽ xảy ra.

 

Khoa Tim Mạch- Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 200 bệnh nhân nội trú mỗi ngày sẽ không đảm bảo hoạt động nếu cắt giảm hợp đồng
Khoa Tim Mạch- Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 200 bệnh nhân nội trú mỗi ngày sẽ không đảm bảo hoạt động nếu cắt giảm hợp đồng
 
Khoa Tim mạch- Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, trung bình mỗi ngày điều trị cho 200 bệnh nhân. Với 41 điều dưỡng đang làm việc tại khoa, mỗi kíp trực, 1 điều dưỡng phụ trách chăm sóc cho 10 bệnh nhân. Hiện các y, bác sĩ của Khoa đang rất lo lắng khi thực hiện cắt giảm toàn bộ hợp đồng theo chủ trương của tỉnh.
 
Bởi, theo bác sĩ Trịnh Quang Thân- Trưởng khoa Tim mạch, số lượng nhân viên y tế hiện tại đã làm một khối lượng công việc quá tải. Nếu cắt giảm nhân lực nữa thì khoa sẽ không đảm bảo hoạt động. “Khoa Tim mạch lúc nào cũng có hơn 200 bệnh nhân/173 giường. Trong đó, có khoảng 40 bệnh nặng cần chăm sóc, theo dõi ngày đêm. Nếu cắt giảm 13 điều dưỡng hợp đồng thì không biết phải làm sao để đảm bảo chăm sóc cho các bệnh nhân”- Bác sĩ Trịnh Quang Thân lo lắng.
 
Thông tin cắt giảm hợp đồng cũng đang ảnh hưởng lớn đến tinh thần nhiều nhân viên y tế. Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan là điều dưỡng làm 8 năm tại Khoa Tim mạch bộc bạch: Bình thường khi chưa cắt giảm hợp đồng thì khoa đã phải làm rất nhiều việc, nhân viên chúng tôi lúc nào cũng tất bật. Nếu bị cho nghỉ việc nữa thì bản thân tôi rất hoang mang, mặt khác công tác chăm sóc người bệnh của khoa cũng sẽ bị trì trệ.
 
Cuối tháng 12, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi phải cắt giảm đến 180 hợp đồng. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 08 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, đối với bệnh viện hạng II, trung bình số biên chế phải đảm bảo bằng với số giường bệnh. “Hiện tại, số lượng 821 nhân viên/960 giường tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã không đảm bảo đúng theo Thông tư. Nếu tiếp tục cắt giảm thì chúng tôi sẽ rất khó khăn”- bác sĩ Phạm Ngọc Lân cho biết.
 
Nguy cơ thiếu nhân lực trầm trọng cũng sẽ diễn ra ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh nếu áp dụng Kế hoạch 126. Bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến- Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh chia sẻ: Hiện bệnh viện có hơn 400 nhân viên. Trong đó, số nhân viên hợp đồng chiếm hơn 1 nửa. Nếu cắt giảm toàn bộ theo kế hoạch của tỉnh thì bệnh viện sẽ không thể hoạt động được nữa.

 

Theo Kế hoạch 126 của tỉnh, đến cuối tháng 12.2018, ngành Y phải cắt giảm 970 hợp đồng lao động
Theo Kế hoạch 126 của tỉnh, đến cuối tháng 12.2018, ngành Y phải cắt giảm 970 hợp đồng lao động
 
Tình trạng thiếu hụt nhân viên khi áp dụng Kế hoạch 126 cũng diễn ra ở các bệnh viện tuyến huyện. Bác sĩ Võ Thanh Tân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm cho biết: Bệnh viện được tự chủ đến 97%, nhưng chỉ có 160 biên chế. Đến ngày 1.1.2019, chấm dứt hợp đồng với 85 nhân viên y tế hợp đồng đang làm việc tại bệnh viện sẽ là trở ngại rất lớn.
 
Trong khi bệnh nhân đông, bình quân khám là trên 500 bệnh nhân/ ngày, điều trị nội trú trên 250 bệnh nhân/ ngày. Nhân viên chỉ có 160 người thì không thể nào phục vụ hết.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Báy- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: Trước khó khăn của ngành khi áp dụng Kế hoạch 126, Sở đã kiến nghị với tỉnh thực hiện một số giải pháp trước mắt. Đối với các đơn vị y tế sự nghiệp tự chủ trên 97% sẽ được phép tự cân đối nguồn tài chính để tiếp tục ký hợp đồng và trả lương cho nhân viên y tế.
 
Với các cơ sở y tế chưa đủ biên chế lao động theo quy định thì được phép tuyển đặc cách cho đủ số lượng biên chế. Hoặc là, sẽ xin chủ trương của tỉnh gia hạn đến 2021 để các đơn vị ổn định tổ chức, đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.
 
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực. Song, nếu áp dụng theo Kế hoạch 126 sẽ rất khó cho các cơ sở y tế có tự chủ. Kỳ hạn chấm dứt hợp đồng sắp đến,  ngành Y tế đang trông mong vào sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
 

Video phản ánh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm: 

 

 
Thực hiện: An Điền

.