Nguy cơ mắc bệnh do thiếu muối i-ốt

04:11, 14/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, độ bao phủ muối i - ốt trên địa bàn tỉnh dưới 50%, trong khi đó yêu cầu để đảm bảo sức khỏe nhân dân phải đạt 90%. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng  mắc các bệnh do thiếu muối i-ốt ngày càng  tăng cao.

Tại Trung tâm Nội tiết tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 250 người đến khám, điều trị bệnh, trong đó các bệnh liên quan đến bướu cổ (bướu cổ suy giáp) chiếm tỷ  lệ hơn 50%.

 

 Bác sĩ ở Trung tâm Nội tiết tỉnh khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ ở Trung tâm Nội tiết tỉnh khám bệnh cho người dân.


Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh, bác sĩ Lê Văn Phương cho biết: Năm 1995, cùng với cả nước, tỉnh ta triển khai chương trình phòng, chống thiếu hụt muối i-ốt. Nhờ vậy, đến năm 2005, tỷ lệ người mắc bệnh bướu cổ do thiếu muối i-ốt giảm còn 2,7%. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta không còn triển khai chương trình này. Vì thế, tình trạng thiếu muối i-ốt đã quay trở lại.

 

"Trung bình mỗi ngày, cơ thể cần nạp vào 50 – 100mcg vi chất i-ốt. Nếu không đảm bảo lượng i-ốt cho cơ thể, tuyến giáp không còn khả năng tổng hợp đủ lượng hormone, gây ra tác động lên não đang phát triển của trẻ sơ sinh, khiến trẻ kém thông minh; phụ nữ mang thai có nguy cơ sảy thai, sinh non, chết lưu; người lớn mắc bệnh bướu cổ".


Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh, bác sĩ LÊ VĂN PHƯƠNG

 

Hiện nay, ý thức của người dân về sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hằng ngày không cao, nhiều người sử dụng nước mắm, hạt nêm trong nấu ăn thay cho muối i- ốt, dẫn đến tình trạng nhiều người mắc các bệnh do thiếu muối i-ốt.

“Người dân ở khu vực đồng bằng, ven biển có điều kiện mua thêm các loại thực phẩm có chứa vi chất i-ốt như cá, rong biển... để sử dụng hằng ngày. Song với người dân ở miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, nên ít sử dụng các loại thực phẩm bổ sung, do đó cơ thể không đủ vi chất i-ốt để tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật”, bác sĩ Phương cho biết thêm.

Theo số liệu của Trung tâm Nội tiết tỉnh, số bệnh nhân đến khám liên quan đến bệnh bướu cổ ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2015 có 4.374 người, thì đến năm 2018 có hơn 8.000 người.Trong đó, nữ giới từ độ tuổi 15 – 49 chiếm hơn 60%. Năm 2016, Chính phủ ban hành nghị định về bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó quy định bắt buộc bổ sung vi chất i-ốt. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15.3.2017, nhưng hầu như các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện.


   Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.