Các đơn vị y tế tuyến huyện gặp khó vì thiếu bác sĩ

08:11, 29/11/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Toàn tỉnh hiện có 815 bác sĩ đang công tác, chủ yếu đáp ứng sự thiếu hụt bác sĩ cho các đơn vị y tế tuyến tỉnh. Còn đội ngũ bác sĩ tuyến huyện vẫn còn ít về số lượng. Cũng vì nguồn nhân lực còn quá mỏng, nên các cơ sở tuyến huyện đều gặp khó trong việc đào tạo bác sĩ tại chỗ để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế.
 
 
Những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa bác sĩ về công tác tại tuyến huyện. Song, đa phần các bác sĩ có trình độ cao đều mong muốn về công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh để có môi trường rèn luyện và phát triển kinh nghiệm của bản thân. Do đó, các đơn vị y tế tuyến huyện luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu, có trình độ tay nghề cao.
 
Hạn chế trong tiến trình nâng hạng bệnh viện
 
Khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt và Mắt ở Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, là mô hình liên chuyên khoa phổ biến ở các cơ sở y tế tuyến huyện. Tại đây, hiện chỉ có 1 bác sĩ mắt và 1 bác sĩ tai mũi họng đang công tác. Trong đó, 1 người làm công tác quản lý.
 
Ngày nào, bác sĩ nghỉ trực theo ca hoặc đi công tác, đi khám tuyển quân thì buộc khoa phải tạm ngưng, không thể khám và thu dung bệnh nhân. Theo bác sĩ Trần Ngọc Chi- Trưởng Khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt và Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm, tình trạng thiếu bác sĩ thường xuyên xảy ra.

 

Hiện Khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt và Mắt ở Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm chỉ có 2 bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh
Hiện Khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt và Mắt ở Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm chỉ có 2 bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh.
 
 
“Rất khó khăn khi vừa làm công tác quản lý và thực hiện công tác chuyên môn. Bác sĩ trong Khoa có nhu cầu đi học chuyên sâu để nâng cao tay nghề hoặc nghỉ phép vì có việc bận thì cũng vô cùng khó khăn. Vì nếu nghỉ thì Khoa không thể hoạt động bình thường. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị”- bác sĩ Chi chia sẻ.
 
Tình trạng thiếu bác sĩ cũng xảy ra ở Khoa sản của bệnh viện. “Khoa chưa thể triển khai kỹ thuật mổ nội soi các bệnh phụ khoa, sản khoa vì không có bác sĩ”- bác sĩ Phạm Thị Tồn cho hay.
 
Hiện Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm đang phấn đấu trở thành bệnh viện hạng II. Tuy nhiên, với số lượng 45 bác sĩ như hiện tại, vẫn còn quá thiếu để triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo danh mục quy định của Bộ Y tế.
 
Bác sĩ Võ Thanh Tân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cho hay: Trong năm 2019, theo kế hoạch bệnh viện sẽ triển khai các kỹ thuật mổ nội soi sản khoa, mổ giác mạc, kết hợp xương đùi… Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt bác sĩ đang là rào cản để bệnh viện có thể triển khai suông sẻ.
 
Để đạt được mục tiêu nâng hạng bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm phải cử bác sĩ đi đào tạo nâng cao tay nghề cho từng kỹ thuật cụ thể. Nhưng nếu không được bổ sung, thì số lượng ở bệnh viện còn quá ít, không đủ đảm bảo phục vụ khám, chữa bệnh tại chỗ. Hiện mỗi ngày, bệnh viện khám, chữa bệnh cho hơn 250 bệnh nhân.
 
Vướng mắc lớn ở các trung tâm y tế miền núi
 
Tình trạng nguồn nhân lực mỏng cũng đang là vấn đề tồn tại ở tất cả các trung tâm y tế huyện miền núi, gây khó khăn lớn cho công tác điều trị bệnh. Tại huyện Ba Tơ, sau khi cử hai bác sĩ Nhi khoa đi đào tạo ở xa, thì một bác sĩ làm công tác quản lý phải xuống khoa kiêm nhiệm thêm phần việc khám, chữa bệnh. Cũng vì thiếu bác sĩ, mà Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ mới chỉ triển khai 75% các danh mục kỹ thuật quy định tương đương với bệnh viện hạng III.
 
“Trung tâm có 15 bác sĩ thì đã cử 5 bác sĩ đi đào tạo nâng cao tay nghề cho các lĩnh vực bác sĩ đa khoa, Y học cổ truyền… Hiện 10 bác sĩ thay phiên làm việc theo kíp trực để điều trị cho gần 300 bệnh nhân mỗi ngày. Khối lượng công việc vô cùng lớn. Cũng vì thiếu bác sĩ mà Trung tâm không thể triển khai các kỹ thuật, giúp người bệnh đỡ tốn chi phí khi chuyển tuyến”- Bác sĩ Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ bộc bạch.

 

Do không có nguồn nhân lực, nên nhiều Trung tâm Y tế huyện không thể triển khai các kỹ thuật, phẫu thuật theo phân tuyến bệnh viện hạng III
Do không có nguồn nhân lực, nên nhiều Trung tâm Y tế huyện không thể triển khai các kỹ thuật, phẫu thuật theo phân tuyến bệnh viện hạng III
 
 
Gặp phải tình trạng tương tự, Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng hiện có 11 bác sĩ. Nếu tính theo tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thì Trung tâm chỉ đáp ứng được 1/3 số bác sĩ. Nhân lực mỏng, trong khi đó nguồn bác sỹ thu hút rất ít về miền núi. Từ năm 2014 đến nay, tại Trung tâm chỉ có duy nhất 1 bác sĩ về công tác. Nhân lực thiếu nên việc cử bác sĩ đi đào tạo theo hình thức đào tạo tại chỗ cũng rất khó.
 
Mặc dù được đầu tư khá nhiều trang thiết bị hiện đại, nhưng vì thiếu bác sĩ nên các kỹ thuật, phẫu thuật phân tuyến ở Trung tâm đều không triển khai được. Ông Đinh Hồng Nhía- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng cho biết: Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo phân bổ thời gian đi học của các bác sĩ để điều phối đủ nhân lực có mặt ở Trung tâm phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Nhưng về lâu dài thì Trung tâm rất cần được bổ sung bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu, có trình độ cao.
 
Bác sĩ Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cũng kiến nghị cách giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. “Trung tâm cũng đang xin ý kiến cấp trên về việc cho các huyện miền núi được cử y sĩ tham gia các lớp đặc cách đào tạo thành bác sĩ”- Bác sĩ Phượng bày tỏ.
 
Hiện nay, các Trung tâm Y tế tuyến huyện đang trong lộ trình từng bước tự chủ về tài chính. Vì vậy, muốn thu hút người bệnh, các đơn vị cần phải có lực lượng cán bộ, bác sĩ không chỉ giàu y đức mà còn phải có năng lực chuyên môn cao, chủ động phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Song, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là bài toán khó có lời giải cho các đơn vị này.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.