(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh mới tăng nhanh và nhiều trường hợp bị nhiễm vi rút EV71. Chủng vi rút này đang biến đổi gen, lây lan nhanh và có biến chứng nặng...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh; tổ chức tốt việc cách ly, phân tuyến điều trị, hạn chế tối đa các biến chứng và tử vong do bệnh TCM.
Giáo viên Trường Mầm non 19/5 thực hiện vệ sinh phòng học bằng dung dịch khử khuẩn Chloramin B. |
Đối với Sở GD&ĐT, cần phối hợp với Sở Y tế trong công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh cho giáo viên mầm non, tiểu học. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tích cực tuyên truyền các biện pháp về phòng chống bệnh TCM...
Phó Giám Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm bảo cung ứng đủ Cloramin B và trang thiết bị cần thiết cho công tác xử lý bệnh TCM; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc phòng chống bệnh; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh TCM...". |
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.200 ca bệnh TCM, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; xuất hiện ở 13 huyện, thành phố, trong đó TP.Quảng Ngãi có trên 500 ca bệnh.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu cho biết: “Những ngày qua, ngoài tăng cường nhân lực giám sát phòng, chống dịch tại các trạm y tế, trung tâm còn chủ động kiểm tra công tác phòng bệnh, hướng dẫn các trường học mầm non cách phòng bệnh cho trẻ. Đến nay, gần 30 ổ dịch xuất hiện ở thành phố đã được khống chế”.
Cô Nguyễn Thị Lai, giáo viên Trường Mầm non 19.5 cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lau sàn nhà bằng Chloramin B và dùng hóa chất rửa dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ. Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Trong quá trình chăm sóc, khi phát hiện các cháu bị bệnh, chúng tôi kịp thời báo cho phụ huynh để đưa đến cơ sở y tế điều trị và cách ly để tránh lây nhiễm cho trẻ khác”.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, trung tâm y tế các huyện, thành phố đã bố trí khu cách ly và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế để ứng phó với bệnh TCM. Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Sơn Võ Hùng Viễn cho biết: “Bệnh TCM tại huyện tăng gần 200 ca bệnh.
Theo phân tuyến, trung tâm đang tiếp nhận và tích cực điều trị cho một số ca bệnh độ 2A. Các bệnh nhân đến điều trị đều được khám sàng lọc để phân loại bệnh, từ độ 2B trở lên đều chuyển lên tuyến trên. Hiện khu cách ly được khử khuẩn, vệ sinh hằng ngày để tránh lây nhiễm sang các buồng bệnh khác”.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG