"Lỗ hổng" chích ngừa, nguyên nhân khiến dịch sởi quay lại

08:10, 06/10/2018
.

Dịch sởi đang quay trở lại, đe dọa bùng phát trên diện rộng đang gieo rắc nỗi ám ảnh với cộng đồng. Bác sĩ cảnh báo, sởi là bệnh lây nhiễm nguy hiểm qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh, bệnh quay trở lại là do lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng.
 
Năm 2014, Việt Nam đã phải đối mặt với sự lây lan, bùng phát dữ dội của dịch sởi. Có tới hơn 7.000 trẻ mắc bệnh trong trận dịch trên với hơn 100 ca tử vong. Sau 4 năm tạm lắng, bệnh sởi đang quay trở lại, đe dọa bùng phát trên diện rộng. Trọng tâm sự xuất hiện của bệnh sởi đang tập trung ở khu vực phía Nam.
 
Theo thống kê của hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Viện Pasteur, TPHCM từ giữa tháng 8/2018 đến đầu tháng 10/2018 đang ghi nhận sự gia tăng của bệnh sởi tại các tỉnh thành thuộc khu vực Nam Bộ. Tỷ lệ bệnh sởi chiếm hơn 20% số bệnh phẩm sốt phát ban đối tượng mắc bệnh đang tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bước đầu, bệnh sởi đang hình thành những ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, dự báo bệnh còn diễn biến khó lường trong thời gian tới.

 

Khu vực cách ly điều trị bệnh sởi tại Nhi đồng 1
Khu vực cách ly điều trị bệnh sởi tại Nhi đồng 1

 

Tại TPHCM, theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng trong năm 2017 trên địa bàn không ghi nhận trường hợp mắc sởi. Tuy nhiên từ đầu năm đến hết tháng 9/2018 toàn thành đã có 111 trường hợp mắc sởi được ghi nhận. Bệnh sởi đã xuất hiện ở tất cả 24 quận huyện, đang gia tăng nhanh, tuần cuối của tháng 9 có tới 32 trường hợp mắc sởi phải nhập viện điều trị.

Phân tích chuyên môn về nguyên nhân dẫn tới sự quay trở lại của bệnh sởi, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: “Bệnh sởi trở lại là do lỗ hổng chích ngừa. Trong cộng đồng của một phường, mỗi năm chỉ cần 10 bé không được chích thì 5 năm sau đã có tới 50 trẻ. Với tỷ lệ này nếu nhóm trẻ trên gặp tác nhân gây bệnh sởi từ ngoài cộng đồng vào sẽ khiến dịch bệnh bùng lên. Sởi vừa là lỗ hổng miễn dịch vừa là những yếu tố ngoại lai tác động nhưng bệnh sởi quay trở lại nguyên nhân chắc chắn là do tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng không đạt độ bao phủ để tạo miễn dịch”.
 
Công tác dự phòng tại những thành phố lớn đang gặp rất nhiều khó khăn. Các khu chế xuất, khu công nghiệp đang kéo theo sự phát triển của những khu nhà trọ dành cho dân nhập cư. Mật độ dân tập trung đông đúc nhưng hầu hết các bậc phụ huynh tại các khu trọ đều “sáng đi tối về” nên những giải pháp truyền thông chống dịch rất khó thực hiện. Khi tỷ lệ chích ngừa không đạt độ bao phủ như mong muốn, trong bối cảnh dân cư tập trung đông, sự giao lưu đi lại trong cộng đồng rất lớn, nguy cơ lây lan sởi thành dịch rất cao.
 
BS Hữu Khanh cho rằng: “Công nhân sáng nhà máy, tối nhà trọ, con thì ở nhà trẻ hoặc lang thang trong xóm thì làm sao mà tuyên truyền giáo dục theo cách kinh điển. Quản lý chủng ngừa, vệ sinh môi trường giao toàn bộ cho ngành y tế hay trạm y tế mà không có chính quyền vào cuộc thì như tay không bắt giặc. Đến hẹn lại chống dịch, đến mùa lại bàn chích ngừa sót, lại than khó quá thì còn khó dài dài. Có nói mấy mà không kiểm soát được nguồn lây trong khu công nghiệp thì cũng như không”.
 
Ngoài những biện pháp rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, che miệng mũi khi hắt hơi… bác sĩ khuyến cáo nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban phụ huynh cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám.
 
Bệnh sởi đã có vắc xin chủng ngừa, phụ huynh cần chủ động đưa con em đi tiêm từ khi 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm sởi, tiêm chưa đầy đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa cần liên hệ với phường xã nơi cư ngụ để được tư vấn.
 
Vân Sơn – Nguyễn Quang/Dân trí

.