(Báo Quảng Ngãi)- Sỏi niệu quản là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh về sỏi tiết niệu. Nếu phát hiện và điều trị sớm thì người bệnh sẽ hạn chế được những biến chứng nguy hiểm.
Sỏi niệu quản là bệnh của đường tiết niệu, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm thận, suy thận, rối loạn hệ tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Sỏi niệu quản nguy hiểm hơn sỏi thận, do những gai nhọn cọ xát, va chạm vào đường niệu khiến người bệnh tiểu ra máu.
Chụp Xquang tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để kiểm tra sỏi niệu quản. |
Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bác sĩ Nguyễn Thái Chấn cho biết: Triệu chứng của sỏi niệu quản là cơn đau quặn thận, đau vùng thắt lưng, có thể không cắt được cơn nếu không dùng thuốc giảm đau. Cơn đau từ hông lưng lan ra phía trước vùng bẹn đùi và đến bộ phận sinh dục ngoài. Bệnh nhân tiểu buốt, tiểu ra máu...
Nhiều bệnh nhân sỏi niệu quản ở giai đoạn đầu chỉ biểu hiện đau lưng, nên chủ quan không đi khám bệnh. Khi sỏi quá to gây ảnh hưởng đến chức năng của thận, gây nhiễm trùng đường tiểu, suy thận. “Nếu phát hiện sớm sỏi niệu quản và có biện pháp xử lý kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa sỏi tận gốc. Để điều trị sỏi niệu quản có thể áp dụng một số phương pháp như: Dùng thuốc, tán sỏi ngược dòng sử dụng laser, mổ nội soi, mổ mở. Tùy cơ địa, tình trạng bệnh và các bệnh lý kèm theo mà bác sĩ đưa ra phương pháp phẫu thuật”, bác sĩ Chấn khuyến cáo.
Đối với người bệnh đã được điều trị sỏi niệu quản, hoặc phẫu thuật lấy sỏi, sau khi xuất viện khoảng 1 đến 2 tháng, nên tái khám, làm theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng bệnh tái phát. Thực đơn ăn uống hằng ngày cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước (2-3 lít nước/ngày), kiêng ăn mặn, hạn chế ăn thịt động vật.
Bài, ảnh: BÌNH MINH