(Báo Quảng Ngãi)- Sỏi thận là căn bệnh nguy hiểm thường gặp, chiếm khoảng 30% các bệnh lý về đường tiết niệu. Bệnh xuất hiện ở nam nhiều hơn ở nữ. Sau khi mổ sỏi thận, bệnh nhân cần đề phòng để không xảy ra những biến chứng.
Mổ sỏi thận thường là phương pháp điều trị cuối cùng được bác sĩ chỉ định khi người bệnh đã áp dụng hầu hết các phương pháp khác mà không có tác dụng, hoặc do phát hiện bệnh khi sỏi đã to và đã xuất hiện biến chứng (thận ứ nước, thận nhiễm mủ, suy thận...). Các phương pháp thường được sử dụng khi mổ sỏi thận là tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lấy sỏi, phẫu thuật lấy sỏi thận qua da và phẫu thuật mổ hở lấy sỏi.
Bệnh nhân tán sỏi có thể xuất viện sớm và điều trị ngoại trú. Riêng bệnh nhân phẫu thuật lấy sỏi thận qua da, phẫu thuật hở lấy sỏi thì thời gian nằm viện từ 5-10 ngày, hoặc lâu hơn. Bệnh nhân này có thể gặp một số biến chứng, như són tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiết niệu...
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra vết mổ sỏi thận của bệnh nhân. |
Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bác sĩ Nguyễn Thái Chấn có lời khuyên: Để nhanh lành bệnh sau khi mổ, bệnh nhân nên thay đổi tư thế, vận động sớm, tránh nằm lâu. Ăn uống sớm, nên ăn các chất bổ dưỡng, dễ tiêu và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Nhân viên y tế nên rút ống thông tiểu cho người bệnh trong vòng 24 giờ, chăm sóc ống dẫn lưu, vết mổ thật tốt. Bệnh nhân phải được cắt chỉ trước khi xuất viện. Trước khi ra viện, bác sĩ chuyên khoa tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn uống, chế độ dự phòng và theo dõi sau mổ, nhất là theo dõi các biến chứng, dấu hiệu sót sỏi và tái khám đúng hẹn để can thiệp điều trị sỏi tiếp theo.
Bệnh nhân sau khi mổ sỏi thận sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhất là việc đi vệ sinh, vận động và ăn uống, nên rất cần được chăm sóc và hỗ trợ từ người thân. Trong trường hợp nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như: Vết mổ bị chảy máu, mạch nhanh, khó thở thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có thể xử lý kịp thời.
Bài, ảnh: BÌNH MINH