(Báo Quảng Ngãi)- Từ tháng 4.2018 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi đã ứng dụng kỹ thuật thực hiện sàng lọc sơ sinh và tư vấn khám sàng lọc trước sinh tại bệnh viện. Đây là tiền đề góp phần quan trọng vào việc phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các bệnh tật cho trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau khi vợ sinh con được hai ngày tuổi, bác sĩ hướng dẫn anh Trần Lê, ở huyện Đức Phổ làm các thủ tục đưa con đến phòng sàng lọc sơ sinh của bệnh viện để lấy máu gót chân xét nghiệm sàng lọc các bệnh sơ sinh, kiểm tra thính lực và sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Anh Lê cho rằng, việc sàng lọc sơ sinh là cần thiết nhằm phát hiện sớm các bệnh bẩm sinh ở bé. “Được các bác sĩ tư vấn tận tình nên vợ chồng tôi cho con làm các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏa cho con”.
Lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi. |
Còn chị Lê Lệ Hằng, ở phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi đang mang thai đứa thứ 2. Chị thường xuyên đến bệnh viện khám thai và được bác sĩ tư vấn khám sàng lọc sơ sinh và trước sinh. “Trước đây, tôi không biết nhiều đến khám sàng lọc trước sinh hay sơ sinh. Nhưng khi đến bệnh viện siêu âm ở những tuần đầu, được các bác sĩ tư vấn nên khám sàng lọc trước sinh cho thai nhi để chắc chắn rằng em bé phát triển bình thường hoặc phát hiện sớm các dị tật của bé khi thai đủ 12 tuần tuổi. Hiện em bé phát triển bình thường nên gia đình rất yên tâm”.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó 2 - 3% số trẻ bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh, như Down (chậm phát triển trí tuệ), hội chứng Ewards (dị tật do thừa nhiễm sắc thể), Thalassemia (tan máu bẩm sinh)... Những bệnh lý này sẽ theo trẻ suốt đời nhưng nhiều bà mẹ mang bầu vẫn chủ quan bỏ qua việc khám sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. |
Phó Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Viết Nhân, công tác tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế, đơn vị chuyển giao kỹ thuật sàng lọc sơ sinh cho Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho biết: Phần lớn các bệnh lý rối loạn nội tiết, chuyển hóa và di truyền trong thời kỳ sơ sinh hay một số năm đầu của trẻ thường không rõ ràng, rất khó phát hiện. Đến khi có dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm thì bệnh đã bước vào giai đoạn không còn khả năng phục hồi hoàn toàn, đặc biệt đối với chức năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, trí tuệ và tinh thần của trẻ.
Chính vì vậy, việc sàng lọc sơ sinh, mà cụ thể là việc lấy máu gót chân ở trẻ mới sinh ra trong vòng 36 đến 48 giờ để xét nghiệm rất quan trọng. Việc sàng lọc này có thể phát hiện được 3 bệnh, gồm: Suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD và tăng sản thượng thận bẩm sinh, trong đó phổ biến nhất là thiếu men G6PD, gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động.
Qua hơn 2 tháng triển khai đã có gần 300 ca được sàng lọc sơ sinh. Trong đó có 5 ca bất thường về điếc bẩm sinh, 3 ca thiếu men G6PD. Tất cả các bé vừa sinh ra đều được tư vấn lấy máu gót chân để tầm soát bệnh.
“Phương pháp lấy máu gót chân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh tương đối dễ thực hiện. Việc bệnh viện triển khai dịch vụ này giúp nhiều gia đình giảm chi phí, khỏi phải đi xa tốn kém. Bệnh viện cũng đầu tư trang thiết bị chẩn đoán hiện đại, giúp việc sàng lọc triển khai thuận lợi, không ảnh hưởng sức khỏe của trẻ...”, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nguyễn Đình Tuyến cho biết.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG