(Báo Quảng Ngãi)- Nép mình trong một con hẻm nhỏ tại phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), cơ sở tư vấn và can thiệp sớm Hiếu Thuận là điểm đến của những trẻ em tự kỷ và chậm nói gần một năm qua.
Những đứa trẻ không may mắn
Chúng tôi đến cơ sở Hiếu Thuận vào một buổi chiều tháng 6, bên cạnh những đứa trẻ vô tư vui đùa, thì cũng có những trẻ ngồi lặng thinh một mình. Ngồi bên ngoài, bà ngoại của một cháu không giấu được sự lo lắng khi kể về cháu gái mình. Bà kể: “Ba mẹ của cháu đi làm từ sáng sớm đến tối mới về. Cháu ở nhà không giao tiếp với người khác, người nhà hỏi thì cháu mới trả lời.
Sau thời gian đi khám khắp nơi thì mới biết cháu chậm nói”. Vì thế, sau giờ học mầm non, cứ mỗi buổi chiều bà lại thay cha mẹ chở cháu đến cơ sở để giáo viên kèm dạy cho cháu phát âm. Đến nay, cháu đã biết hỏi lại người khác, nhận biết những sự vật xung quanh.
Giờ học can thiệp của trẻ chậm nói. |
Còn đối với cháu V, đến cơ sở khi 5 tuổi chỉ nói được vài từ tiếng Anh, do thường xuyên xem các chương trình hoạt hình nước ngoài trên máy tính bảng. Ngoài ra, V chỉ uống sữa, không ăn cơm và không thể giao tiếp bằng tiếng Việt.
“Phương pháp giáo dục cho trẻ đặc biệt cần nương theo điều trẻ thích để thu hút trẻ vào bài học. Đối với trẻ chậm nói, cần thời gian khoảng vài tháng để can thiệp cho trẻ. Nhưng đối với trẻ tự kỷ, thời gian dài hơn từ 1 - 2 năm trở lên. Vì thế, không chỉ giáo viên, trẻ em mà cả phụ huynh cũng đều phải kiên trì và kiên nhẫn để tìm lại tương lai cho những đứa trẻ không may mắn”.
|
Do công việc bận rộn, nên phần lớn cha mẹ phải đi làm cả ngày, còn con trẻ thì ở nhà với ông bà. Cùng với đó là tình trạng nhiều trẻ thường xuyên tiếp xúc với máy tính bảng, điện thoại, ti vi... kể cả những lúc ra ngoài chơi, nhiều cha mẹ cũng để cho con tiếp xúc với điện thoại.
“Việc trẻ em thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, khiến trẻ chỉ giao tiếp một chiều, cộng với tâm lý cha mẹ e ngại nên giấu bệnh con. Đây là những sai lầm khiến trẻ ngày càng khó hòa nhập, trong khi giai đoạn vàng để can thiệp sớm là lúc trẻ từ 2 – 3 tuổi”, anh Bùi Quang Thuận (1989), chủ cơ sở Hiếu Thuận cho biết.
Địa chỉ đáng tin cậy
Chúng tôi khá bất ngờ khi biết Bùi Quang Thuận quê ở tận tỉnh Quảng Trị. Thuận từng là giáo viên tại Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập).
Sau 5 năm làm việc, Thuận nhận thấy trẻ chậm nói, nhất là trẻ tự kỷ chưa có nơi can thiệp sớm để các em có thể hòa nhập, học chương trình giáo dục như trẻ bình thường. Vì thế, Thuận quyết tâm mở cơ sở với chức năng tư vấn cho phụ huynh cách nhận biết và dạy con khi có dấu hiệu chậm nói và tự kỷ, đồng thời can thiệp sớm cho trẻ, chủ yếu dành cho đối tượng dưới 12 tuổi.
Để cập nhật kiến thức, Thuận thường xuyên tham gia các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật các phương pháp mới để áp dụng.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO