(Báo Quảng Ngãi)- Phơi nhiễm với HIV là nguy cơ bị lây nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người nhiễm HIV thông qua máu, mủ, dịch tiết sinh dục, sữa mẹ, dịch não tủy, dịch khớp, các chất tiết do vết lở loét...
Phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp là khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV như kim đâm khi làm thủ thuật tiêm truyền, lấy máu làm xét nghiệm, chọc dò; vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh; tổn thương qua da do ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; hoặc phơi nhiễm với máu có HIV do bị người khác dùng kim tiêm chứa máu đâm vào...
Các trường hợp dễ bị phơi nhiễm HIV. Ảnh: Internet |
Để dự phòng lây nhiễm HIV trong trường hợp này, người phơi nhiễm với HIV cần xử lý vết thương tại chỗ. Nếu tổn thương da chảy máu thì rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, mũi thì rửa mắt, mũi nhiều lần bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9%; phơi nhiễm qua niêm mạc miệng thì súc miệng nhiều lần bằng dung dịch NaCl 0,9%.
Người gây phơi nhiễm có xét nghiệm HIV dương tính thì tìm hiểu các thông tin về tiền sử điều trị HIV và dùng thuốc ARV. Người gây phơi nhiễm không rõ tình trạng HIV thì tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV cho họ. Trường hợp không thể xác định được tình trạng nhiễm HIV của người gây phơi nhiễm được coi là có nguy cơ. Đối với tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm, nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngay sau khi phơi nhiễm chứng tỏ người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, không phải do phơi nhiễm, dừng sử dụng thuốc ARV cho dự phòng sau phơi nhiễm, sau đó tư vấn, chuyển người bị phơi nhiễm đến cơ sở điều trị HIV để được điều trị.
Phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp là phơi nhiễm qua quan hệ tình dục do không sử dụng bao cao su, sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma tuý, vết thương do đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt ra tại các khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được, vết thương do người nghi nhiễm HIV cắn gây chảy máu.
Cần tiến hành điều trị dự phòng sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt cho tất cả đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm. Tuy nhiên, có một số trường hợp không chỉ định điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, như người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV; nguồn gây phơi nhiễm được khẳng định là HIV âm tính; phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm đáng kể như nước mắt, dịch nước bọt không dính máu, nước tiểu và mồ hôi; có phơi nhiễm liên tục với HIV như quan hệ tình dục thường xuyên với người nhiễm HIV hoặc gái mại dâm nhưng hiếm khi sử dụng bao cao su; người nghiện chích ma tuý thường xuyên sử dụng chung bơm kim tiêm.
VÕ MẪN