(Báo Quảng Ngãi)- Công tác dân số vùng ven biển và hải đảo ở tỉnh ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do mức sinh cao, chất lượng dân số chậm cải thiện...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mức sinh cao
Ở xã Bình Đông (Bình Sơn), nhiều gia đình có cuộc sống rất khó khăn, mà nguyên nhân một phần do sinh con đông. Nhiều cặp vợ chồng sinh từ 4- 5 con trở lên, như chị Huỳnh Thị Thắm, chưa đến 30 tuổi, nhưng đã có 3 con, mặc dù đã có đủ con trai và con gái.
“Ở vùng biển mà sinh ít con thì lấy đâu ra lao động để đi biển", chị Thắm bộc bạch. Suy nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cư dân vùng biển, nên mức sinh ở xã Bình Đông luôn cao. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn xã có 78 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ gần 20%.
Cán bộ dân số xã Bình Đông (Bình Sơn) tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho ngư dân. |
Cán bộ chuyên trách dân số xã Bình Đông Lý Thị Vân chia sẻ: “Đối với phụ nữ vùng biển, việc áp dụng các biện pháp tránh thai thường không thể tự quyết định mà phụ thuộc nhiều vào chồng. Trong khi đó, đàn ông vùng biển đi biển dài ngày, nên việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn”.
“Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế vùng biển, đảo, nhằm tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là phụ nữ, khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới, cải thiện vị thế người phụ nữ trong xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số vùng biển”. Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh ĐẶNG VĂN NGỮ |
Xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cũng vậy, mức sinh luôn cao; nhiều gia đình đông con nên ít có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học chu đáo. Đây là xã có quy mô dân số đông thứ 2 của huyện Bình Sơn. Người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản, nên luôn có quan niệm phải sinh nhiều con và phải có con trai để đi biển.
Chất lượng dân số thấp
Toàn tỉnh có 26 xã ven biển, đảo thuộc 5 huyện, thành phố, có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, từ 14-15% (mức sinh con thứ 3 trở lên bình quân chung toàn tỉnh là 10%). Cùng với đó, điều kiện sống, sinh hoạt của người dân chưa đảm bảo, thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt; nhiều gia đình không có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh. Phụ nữ vùng biển ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Hiện nay, ngành dân số tỉnh tiếp tục triển khai đề án kiểm soát quy mô dân số vùng biển, đảo. Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Văn Ngữ cho biết: Để thực hiện có hiệu quả đề án này, cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các hội, đoàn thể ở các xã vùng biển, đảo.
Thời gian qua, các địa phương đã chú trọng lồng ghép mục tiêu dân số trong các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Hoạt động truyền thông đã hướng tới đối tượng nam giới nhiều hơn, nhằm nâng cao nhận thức để thực hiện tốt chính sách dân số.
Thời gian tới, ngành dân số tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã ven biển cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sau sinh nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời dị tật bẩm sinh thời kỳ bào thai và sơ sinh. Nâng cao nhận thức cũng như chuyển đổi hành vi của cộng đồng về thực hiện pháp luật, chính sách DS- KHHGĐ.
Bài, ảnh: KIM NGÂN