Quyền lợi người chăm sóc trẻ tự kỷ chưa được quan tâm

09:04, 14/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đội ngũ kỹ thuật viên trực tiếp điều trị cho trẻ mắc phải căn bệnh tự kỷ là điều trị cho một bệnh nhân. Tuy nhiên, quyền lợi của các kỹ thuật viên, đặc biệt là các cử nhân tâm lý, cử nhân công tác xã hội… hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Đây là nỗi băn khoăn lớn của các lãnh đạo y, bác sĩ ở Khoa tâm căn, tâm thần trẻ em, phục hồi chức năng, thuộc Bệnh viện Tâm thần tỉnh. 

TIN LIÊN QUAN

Nghịch lý nhiều năm

Trẻ tự kỷ được xem là trẻ khuyết tật về trí tuệ, ý thức. Chăm sóc cho một đứa trẻ bình thường vốn dĩ đã rất khó khăn. Việc chăm sóc, hỗ trợ để một đứa trẻ mang trong mình căn bệnh mãn tính của thời đại hiện nay, sớm phát triển kịp như những đứa trẻ bình thường, đó còn là một quá trình gian nan gấp bội lần. Quá trình ấy chiếm nhiều thời gian, sức lực của các y, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng.
 
Đó là khi mọi người giảng bài, hướng dẫn cả ngày nhưng trẻ chẳng tiếp thu được bao nhiêu, chẳng nhìn, chẳng nói với người ngồi đối diện mình một lần. Rồi cả những lúc trẻ chạy nhảy liên tục rất khó dạy bảo. Có em lại hùng hục đâm đầu vào tường. Đang học, trẻ lại tự “tè” ra sàn một cách tự nhiên.
 
Can thiệp cho trẻ tự kỷ còn phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của trẻ vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là có thể tự gây tổn hại cho mình mà không biết. 

Vậy nên, đội ngũ trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ tự kỷ cần phải có chuyên môn cao, có sự cảm thông, thấu hiểu, nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân mới sớm nhận được “quả ngọt” từ khả năng phục hồi về mặt tâm lý cho trẻ. 

 

Chăm sóc cho trẻ tự kỷ thật sự khó khăn.
Đội ngũ trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ tự kỷ cần phải có chuyên môn cao, có sự cảm thông, thấu hiểu, nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân.
 
Làm việc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh thấm thoát đã gần 10 năm nhưng phần lớn thời gian và tâm huyết, chị Trần Thị Phong Hậu, một cử nhân tâm lý dành hết thời gian để gian gắn bó với Khoa tâm căn, tâm thần trẻ em, phục hồi chức năng. 
 
Chị chia sẻ, công việc này thật sự áp lực, công việc nhiều, đòi hỏi bản thân mình phải là người yêu trẻ, mến trẻ bằng tất cả trái tim, mới có thể mềm mỏng, nhẹ nhàng, kiên nhẫn đồng hành cùng chúng.
 
Tốt nghiệp, ra trường với những tấm bằng cử nhân lại gắn bó với khoa ngay từ những ngày đầu thành lập, chị Hậu trở thành một cánh tay đắc lực, “bộ não” quan trọng trong việc can thiệp cho trẻ tự kỷ, cũng như cho các đối tượng tâm thần được hưởng chế độ của xã hội vào chữa trị thường xuyên tại khoa này. 
 
Nhưng, một nghịch lý từ nhiều năm nay, chế độ đãi ngộ của chị lại không bằng các y tá, điều dưỡng khác khi họ chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng nhưng lại được xếp vào mã ngạch của ngành y.
 
Chị cho hay, bản thân mình và những anh chị rơi vào trường hợp này cảm thấy thật sự thiệt thòi. Nhưng vì tình yêu với những đứa trẻ và công việc mình mà mình đã dành tâm huyết, gắng bó lâu dài nên tiếp tục nỗ lực. Chỉ mong một ngày nào đó, lãnh đạo các cấp sớm ghi nhận và có chính sách hỗ trợ trong thời gian sớm nhất có thể.
 
Đây là một nỗi lo ở Khoa Tâm căn, tâm thần trẻ em, phục hồi chức năng, thuộc Bệnh viện Tâm thần tỉnh từ nhiều năm nay. Nơi đây có tổng cộng 16 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Nhưng nhiều kỹ thuật viên chỉ được hưởng chính sách của một chuyên viên hành chính như Huỳnh Thị Kim Ngân- Cử nhân Vật lý trị liệu, chị Trương Tiên Phước- Cử nhân chuyên ngành công tác xã hội… 
 
Chính sách phụ cấp 70% độc hại tùy theo mức độ của ngành y không được hỗ trợ, trong khi đó các cử nhân này là những đối tượng vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ tự kỷ. Khối lượng công việc lại rất lớn. 
 
Đâu là giải pháp?
 
Tự kỷ đang trở thành một căn bệnh của thời đại nói chung và của ngành y nói riêng. Bác sĩ Phạm Thị Thu Trà- Trưởng Khoa Tâm căn, tâm thần trẻ em, phục hồi chức năng- Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, nhu cầu đăng ký điều trị cho trẻ tự kỷ ở đây ngày càng cao, trung bình mỗi ngày 1 kỹ thuật viên phụ trách 6  trẻ. Thời gian điều trị kéo dài ít nhất 2 năm. 
 
Chị Trần Thị Phong Hậu
Chị Trần Thị Phong Hậu là người hàng ngày vẫn trực tiếp can thiệp, tiếp xúc để trẻ tự kỷ phát triển nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ đặc thù từ ngành y.
 
Hiện tại có rất nhiều trẻ tự kỷ đăng ký danh sách, mong mỏi chờ đến lượt mình điều trị nhưng điều kiện cơ vật chất cũng như nguồn nhân lực còn khiêm tốn. Khoa Tâm căn, tâm thần trẻ em, phục hồi chức năng rất cần những cử nhân tâm lý có chuyên môn về can thiệp cho trẻ. 
 
Thế nhưng, do bệnh viện gặp khó khăn trong công tác tổ chức nhân sự, không có biên chế, không thực hiện được việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng như sắp xếp cho các đối tượng vào mã ngạch của ngành y nên chưa thu hút được nhân tài. 
 
Thực tế, có nhiều cử nhân làm việc vài năm nhưng cũng đành “ngậm ngùi” xin nghỉ việc vì chế độ đãi ngộ chưa thật sự tương xứng. 
 
Để "níu chân" những cử nhân, khoa phải hỗ trợ thêm một phần dựa trên kinh phí hoạt động. Theo bác sĩ Trà, về lâu dài, khoa mong muốn Sở Y tế và tỉnh cần quan tâm, hỗ trợ, có chế độ thu hút, ưu đãi các cử nhân có chuyên môn về công tác tại bệnh viện, đặc biệt là cử nhân tâm lý. 
 
Khi các cử nhân có thời gian thử thách tại đơn vị, cần sớm cấp chứng chỉ hành nghề, sắp xếp vào mã ngạch của ngành y để các đối tượng không bị thiệt thòi về quyền lợi. Có như vậy mới mong việc can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ ngày càng tiến triển hơn vì có nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.