Tập trung phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

04:01, 02/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguy cơ bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trong mùa mưa lụt là rất lớn. Vì vậy hiện nay, ngành chuyên môn, chính quyền cơ sở và người dân đang tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống...

TIN LIÊN QUAN


Năm 2017, toàn tỉnh có trên 30.800 con gia cầm bị chết, tiêu hủy do nhiễm virút cúm A/H5N6; 202 con trâu, bò bị mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM).

Người dân chủ động

“Mưa lạnh thay đổi thất thường, nên tôi giữ bò ở nhà, chứ thả ra rẫy lỡ nó mắc bệnh thì khổ”, bà Đinh Thị Nhít, thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long) cho biết. Thông thường, bà Nhít thả bò ra rẫy kiếm ăn theo kiểu “sáng đi chiều về”. Thậm chí mùa nắng, bà còn để bò ngủ ngoài rẫy, vài ngày mới lùa về. Tuy nhiên, sau khi nghe tin xã Long Sơn có nhiều trâu, bò bị mắc bệnh LMLM, bà Nhít không còn thả rông bò như trước. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, mưa lạnh kéo dài, nên bên cạnh việc che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn, bà Nhít cũng “giữ” bò ở nhà, không chăn thả vào những ngày mưa lạnh.

Chú trọng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường là giải pháp hạn chế dịch bệnh bùng phát.
Chú trọng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường là giải pháp hạn chế dịch bệnh bùng phát.


Cùng với bà Nhít, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò ở huyện miền núi Minh Long cũng lo lắng các loại dịch bệnh, đói rét có nguy cơ bùng phát, lây lan do thời tiết chuyển lạnh. Đặc biệt, tại xã Long Sơn, sau khi xảy ra ổ dịch LMLM khiến 46 con bò bị mắc bệnh vào cuối tháng 6.2017, người dân đã bớt chủ quan trong việc chăn nuôi và chăm sóc gia súc. Thay vì “bỏ rơi” trâu, bò tự kiếm ăn ngoài rừng, rẫy, bà con đã quan tâm hơn đến việc trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, che chắn chuồng trại để giữ ấm...

Trong khi đó, người nuôi gia cầm canh cánh nỗi lo dịch cúm bùng phát, khi tái đàn phục vụ Tết. Ông Nguyễn Đức Thắng ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), cho biết: “Tôi tính đầu tư nuôi 1.000 con vịt rằn để nuôi thịt, phục vụ Tết, nhưng thời tiết mưa nắng bất thường, chuồng trại lại ẩm thấp, nên tôi lo lỡ xảy ra dịch cúm như đợt trước thì khổ”. Giữa tháng 10, ông Thắng bị thiệt hại hơn 2.000 con gà, vịt do dịch cúm A/H5N6. Dù đã “treo” chuồng hơn 21 ngày để khử trùng theo quy định, nhưng hiện nay, ông Thắng vẫn e ngại và cẩn trọng khi quyết định tái đàn.      

Chủ động phòng tránh

Cùng với điều kiện thời tiết bất lợi thì mới đây, tỉnh Quảng Nam cũng đã bùng phát dịch LMLM. Vì vậy, nguy cơ lây lan mầm bệnh là rất lớn. Trước tình hình này, ngành chuyên môn đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó. Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đỗ Văn Chung, cho biết: “Bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, thực hiện tiêu độc khử trùng đúng quy định, người dân cũng phải tuân thủ các quy định trong quá trình tái đàn, chăm sóc GSGC để phòng bệnh bùng phát, lây lan”.

Đơn cử như việc tái đàn gia cầm, nguyên tắc khi tái đàn là phải “phơi” chuồng trại tối thiểu 15 ngày, sát trùng bằng vôi loãng. Trước khi nhập đàn, số gia cầm mới phải được cách ly 21 ngày. “Nếu gia cầm ủ bệnh thì đây sẽ là thời gian phát bệnh. Khi đó, người dân sẽ kịp thời khống chế, tránh lây lan sang đàn gia cầm cũ, hạn chế được thiệt hại”, ông Chung cho biết. Ngoài ra, người chăn nuôi nhỏ lẻ nên liên kết với nhau trong việc mua giống GSGC để vừa giảm chi phí, vừa tiếp cận được nguồn giống của các cơ sở, doanh nghiệp uy tín.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là, triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2/2017 chậm so với kế hoạch (kế hoạch là tháng 11.2017). Nguyên nhân do mưa lụt kéo dài, chuồng trại ẩm thấp, nên việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, phải đợi thời tiết khô ráo mới triển khai thực hiện. Ngoài ra, công tác tiêm phòng đợt 2 cũng đạt kết quả thấp. Trong khi tỷ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò đạt 100%, thì vắcxin cúm gia cầm chỉ đạt gần 24%. Mặc dù thời gian triển khai thực hiện là từ cuối tháng 8 đến 31.12 (tập trung từ tháng 9-10.2017), nhưng đến thời điểm này, chỉ tiêm được gần 354 nghìn liều trong số gần 1,5 triệu liều. Trong đó, TP.Quảng Ngãi hầu như chưa triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 2. Trong khi năm 2017, địa phương này có 11 nghìn con gia cầm của 3 hộ ở xã Tịnh Ấn Đông bị chết, tiêu hủy do dịch cúm A/H5N6.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh GSGS trong mùa mưa, cũng như vụ đông xuân 2017-2018, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm; tập trung thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2/2017,  Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tăng cường công tác kiểm dịch động vật, vận chuyển, kiểm soát giết mổ GSGC, vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.