Tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh

03:01, 07/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số là chủ đề Tháng hành động Quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26.12. Đây là biện pháp thăm dò để phát hiện những nguy cơ mà trẻ có thể mắc trong thời gian mẹ mang thai hoặc sau khi sinh.

Tại Quảng Ngãi, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai từ năm 2010, đã góp phần giúp nhiều trẻ em được sàng lọc, phát hiện sớm nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, để đề án đi vào chiều sâu cần có sự phối hợp của các cấp, ngành và cả cộng đồng...

Tỷ lệ được sàng lọc còn thấp

Đề án trên được triển khai tại các huyện, thành phố trong tỉnh, nhằm phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down, đặc biệt 2 bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là bệnh thiếu men G6PD (nguyên nhân gây bệnh lý di truyền vàng da, dễ tử vong) và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Đây là những dị tật có hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Mỗi thai phụ được khám sàng lọc sẽ loại bỏ được 95% các trường hợp thai nhi bất thường, trẻ sinh ra tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý nói trên.

Phụ nữ mang thai cần chủ động khám, sàng lọc để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh cho tương lai.
Phụ nữ mang thai cần chủ động khám, sàng lọc để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh cho tương lai.


Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ và trẻ được khám sàng lọc hằng năm còn thấp, do kinh phí có hạn. Mỗi năm trung bình phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được khám sàng lọc khoảng 1.000 ca. Riêng năm 2017, phụ nữ mang thai khám sàng lọc 656 ca và trẻ  sơ sinh 655 ca. Tại huyện Sơn Tịnh, thực hiện đề án trên đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Trung tâm Dân số huyện đã tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề giúp cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại địa phương có kiến thức hiểu biết về lợi ích của việc khám sàng lọc.

Tại huyện đảo Lý Sơn, công tác này cũng được triển khai từ nhiều năm nay. Ngoài việc tổ chức truyền thông cho phụ nữ, Trung tâm Dân số huyện còn phối hợp với khoa sản thuộc Trung tâm Y tế Quân dân y Lý Sơn, tư vấn cho phụ nữ đến khám thai và sản phụ hiểu được lợi ích của công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tuy nhiên, trong năm 2017 chỉ thực hiện được 25 ca. “Việc triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn, do kinh phí hạn chế, nhận thức của phụ nữ mang thai về công tác này còn thấp”, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Lý Sơn Phạm Thị Thu, cho biết.

Tăng cường tuyên truyền

Điều đáng lo ngại hiện nay là, số lượng sản phụ chủ động đi khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn quá thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm, nên việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó hoặc có trường hợp phát hiện ra dị tật thì thai phụ đã chuẩn bị sinh. Khó khăn nữa là, kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế...

Do đó, trong thời gian đến, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ đề và các thông điệp chính của ngày Dân số Việt Nam đến với mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền các nội dung ưu tiên về tầm soát chẩn đoán sớm bệnh tật trước và sơ sinh; quy trình tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật và những thông điệp các đối tượng phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai nhằm thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.   

Trung bình hằng năm tại Quảng Ngãi có 14.000 trẻ em được sinh ra, trong đó có khoảng 2% mắc các bệnh dị tật. Quảng Ngãi là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tỷ lệ trẻ sơ sinh và trẻ em bị dị tật, khuyết tật ở Quảng Ngãi vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số. Vì thế, việc nâng cao hiệu quả của đề án sẽ từng bước kiểm soát, phát hiện điều trị nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng, mắc các bệnh di truyền... Tuy nhiên, do chỉ tiêu hằng năm Trung ương giao rất ít, nên đa số chỉ làm đủ chỉ tiêu. Việc huy động xã hội hóa công tác này còn khó khăn, người dân chưa chủ động trong việc sàng lọc. Việc cấp kinh phí hằng năm chậm, cũng gây khó khăn khi triển khai đề án này tại cơ sở.


Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh ĐẶNG CHÍNH

                                  
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.