(Báo Quảng Ngãi)- Dù gặp không ít khó khăn, nhưng năm 2017, ngành DS-KHHGĐ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện công tác đạt nhiều kết quả rất phấn khởi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2017, trong bối cảnh kinh phí Trung ương đầu tư chi cho các hoạt động công tác DS-KHHGĐ bị cắt giảm; chỉ tiêu miễn phí các biện pháp tránh thai hiện đại, hay thực hiện các mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh thấp... tạo nên những thách thức lớn cho ngành.
Tuy vậy, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, nhân dân và sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, cộng tác viên của ngành, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ tiêu chiến dịch truyền thông lồng ghép với nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đạt kết quả cao. Thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 104%, tăng 3,4% so với năm 2016. Tổng số cặp vợ chồng đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 59 nghìn người. Tỷ suất sinh thô năm 2017 còn 14,2‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 8,3‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm còn 10,9%...
Già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác an sinh xã hội. |
Thông qua đề án nâng cao sức khỏe sinh sản, tư vấn tiền hôn nhân cho vị thành niên, toàn tỉnh còn duy trì hoạt động truyền thông ở CLB tại 30 xã thuộc 13/14 huyện, thành phố với các hoạt động như: Cung cấp tài liệu, tờ rơi, khám sức khỏe định kỳ, sinh hoạt CLB, góc truyền thông - tư vấn, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh của xã, với hơn 6.700 người tham dự... Cùng với đó, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... cũng được phủ kín 100% số xã thuộc 14 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Văn Ngữ, cho biết: “Năm 2018, ngành sẽ kiện toàn mạng lưới cộng tác viên dân số, vì hiện tại chế độ thù lao của lực lượng này còn rất thấp, mức hỗ trợ một tháng chỉ bằng một ngày công. Cộng tác viên dân số còn phụ giúp các hoạt động khác của ngành y tế hay các hoạt động của đoàn thể. Công việc quá tải, thù lao ít nên khó có thể khuyến khích cộng tác viên gắn kết với công việc lâu dài và duy trì hoạt động thường xuyên. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế cần quan tâm đến chế độ thù lao cho lực lượng này”.
Trong điều kiện hoạt động của công tác DS-KHHGĐ ngày càng nhiều khó khăn, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, ngành dân số rất cần được sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa của tỉnh. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực phối hợp cùng ngành dân số, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo ông Đặng Văn Ngữ, hiện nay, ngành dân số đang phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 21 về dân số, thực hiện tốt mục tiêu duy trì mức sinh hợp lý. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các vấn đề đang đặt ra đối với công tác dân số, như mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vấn đề già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Bài, ảnh: TRÍ PHONG