Bệnh răng miệng

08:01, 06/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo nghiên cứu mới nhất tại tỉnh Quảng Ngãi, năm 2016, tỷ lệ bệnh răng miệng trong lứa tuổi học sinh chiếm khoảng 70%. Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh tiểu học, các em bị sâu răng khá phổ biến. Nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng và viêm lợi thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do vệ sinh răng miệng kém hoặc chăm sóc răng miệng không đúng cách.

Răng đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhai, học nói, tạo nên sự phát triển của cấu trúc mặt và duy trì khoảng cách cần thiết trên cung răng cho răng vĩnh viễn mọc sau này không bị thiếu chỗ. Hầu hết trẻ không để ý đến tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều và lợi đã viêm.

Trẻ cần khám răng định kỳ để phát hiện sớm bệnh răng miệng.
Trẻ cần khám răng định kỳ để phát hiện sớm bệnh răng miệng.


Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm, cho biết: Dấu hiệu sâu răng bắt đầu bằng những đốm nâu đen ở trên bề mặt, nếu không điều trị thì vết nâu đen này sẽ lan rộng ra ăn sâu xuống lớp ngà, lớp tủy và có thể gây đau nhức. Biểu hiện của viêm lợi là cảm thấy lợi sưng đỏ, đau và có mùi hôi. Bệnh sâu răng và viêm lợi là hai bệnh song hành với nhau. Khi trẻ bị viêm lợi sẽ hạn chế việc vệ sinh răng miệng, chải răng, sẽ dẫn đến sâu răng.

Nếu tình trạng bệnh răng miệng không được điều trị sẽ gây đau, nhức làm cho trẻ không ăn được, từ đó dẫn tới biếng ăn, thiếu chất ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Về lâu dài dễ dẫn đến các biến chứng như: Mất răng sớm khiến răng mọc lệch, mất sức nhai, ảnh hưởng đến thẩm mỹ; thậm chí có thể bị biến chứng toàn thân gây viêm khớp, viêm màng tim, viêm cầu thận. Để hạn chế tình trạng trẻ mắc bệnh răng miệng, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ cách chăm sóc răng đúng cách. Bác sĩ Tâm, nhấn mạnh: Trẻ cần vệ sinh răng miệng hằng ngày bằng cách chải răng bằng kem có fluor ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn những đồ ngọt như bánh, kẹo, nếu có sử dụng những thức ăn như vậy thì cũng phải chải răng ngay sau khi sử dụng. Khám răng định kỳ, bỏ những thói quen không có lợi cho răng miệng, như cắn móng tay, cắn bút...

Để bảo vệ nụ cười trẻ thơ, cần có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, tạo cho trẻ có thói quen đánh răng buổi sáng và buổi tối. Đồng thời, kết hợp những bài học sinh động, những câu chuyện kể về răng miệng mang tính hài hước và có tính giáo dục cao về bệnh răng miệng, giúp trẻ biết cách bảo vệ răng miệng.


Bài, ảnh: An Hảo

 


.