(Báo Quảng Ngãi)- Một điều tra mới đây cho thấy, trên 10% dân số Việt Nam có các biểu hiện liên quan đến bệnh lý rối loạn tâm thần. Nguyên nhân của bệnh có thể là do các tổn thương của não và thần kinh trung tương, hay do sang chấn tâm lý. Dấu hiệu ban đầu của bệnh đa dạng, có khi không phải là các biểu hiện về thần kinh mà là biểu hiện thể chất, như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, khó thở, đau mỏi người...
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước ta có gần 9 triệu người bị rối loạn tâm trí, trong đó khoảng 200 nghìn người bị tâm thần phân liệt, 2,4 triệu người mắc các chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, còn lại là mắc các chứng rối loạn về sức khỏe tâm thần. Rối loạn tâm thần rất đa dạng từ các triệu chứng nhẹ nhất như suy nhược cơ thể, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung, buồn chán, thiếu quan tâm, xa lánh mọi người cho đến các triệu chứng của loạn thần.
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi, bác sĩ Đặng Trong, cho biết: Các biểu hiện rối loạn tâm thần thường gặp gồm: Rối loạn về ngôn ngữ, bệnh nhân nói những lời vô nghĩa, có người nói liên tục, có người không nói, nói những câu không logic. Hoặc rối loạn về cảm xúc, vui thái quá, buồn thái quá. Rối loạn về ảo giác, nghe những tiếng, thấy những hình ảnh không có trong thực tế. Hoặc rối loạn về hoang tưởng, có bệnh nhân cho mình tài ba lỗi lạc, có người cho rằng mình đang bị người khác ám hại. Nhóm tiếp theo là rối loạn hành vi, bệnh nhân có thể bỏ nhà đi lang thang.
Biểu hiện sớm của bệnh tâm thần rất kín đáo và tế nhị, nên việc phát hiện sớm bệnh tâm thần đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị. Việc phát hiện bệnh thường do chính bản thân, hoặc người thân trong gia đình, người cùng cơ quan, đơn vị, trường học, những người hay gần gũi với người bệnh. Có trên 70% số người bệnh không nhận ra mình bị mắc rối loạn tâm thần dẫn đến không được điều trị một cách thỏa đáng và kịp thời.
Hậu quả của rối loạn tâm thần rất nặng nề. Đối với bản thân người bệnh thì bỏ bê công việc đang làm, không đảm nhiệm được công việc mà cơ quan và xã hội giao phó, bệnh nhân không có khả năng lao động. Bệnh nhân gây nhiều hành vi nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Một ảnh hưởng nữa là có những hành vi dẫn đến mất an toàn, trật tự xã hội.
Cho đến nay, chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn. Ước tính có gần 9 triệu người cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần, số người rối loạn tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm cho gia đình (đập phá tài sản, đánh người, gây mất trật tự) vào khoảng 200.000 người. Bệnh tâm thần thường không gây chết đột ngột, nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng, nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình, xã hội, cũng như tổn hại cả về kinh tế. Vì vậy, việc phát hiện sớm và chữa bệnh kịp thời sẽ ngăn chặn được sự tiến triển xấu của bệnh.
KIM LIÊN