(Báo Quảng Ngãi)- Trong 4 năm qua, thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tỉnh ta đã thu hút gần 200 bác sĩ về công tác. Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu dần được thay thế bằng những trải nghiệm thực tế, họ đã trưởng thành hơn trong công tác.
Sau khi tốt nghiệp bác sĩ hệ dự phòng của Trường Đại học Y dược Huế, bác sĩ Trương Văn Đại, quê ở tỉnh Nghệ An đăng ký về Quảng Ngãi công tác. Ngay ngày đầu nhận công tác, bác sĩ Đại đã tình nguyện đến với vùng khó khăn nhất của tỉnh là huyện miền núi Tây Trà, để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sĩ Hồ Văn Duẫn (giữa) đến thăm hỏi bệnh nhân HIV tại huyện Ba Tơ. |
Đặc thù công việc ở Đội y tế dự phòng là phải thường xuyên xuống cơ sở, trong khi điều kiện đi lại ở miền núi hết sức gian khó, thêm vào đó là chuyện bất đồng ngôn ngữ khi giao tiếp với đồng bào Cor. Nhưng rồi, những khó khăn đó đã giúp bác sĩ Đại trưởng thành hơn, thấu hiểu đời sống khó khăn cũng như tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh cho đồng bào miền núi.
Theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác tại Quảng Ngãi tại Quyết định số 57/2016/QĐ-UBND ngày 4.11.2016, đối tượng thu hút phải cam kết công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh từ 10 năm trở lên, thay vì 5 năm theo chính sách cũ năm 2013. Chính sách mới cũng có những thay đổi về chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ nhận nhiệm vụ ở các huyện miền núi và huyện Lý Sơn để các bác sĩ yên tâm cống hiến. Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí một lần bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ tương ứng... |
Nói về điều kiện công tác, bác sĩ Đại bộc bạch: “Là thầy thuốc, ai cũng muốn cống hiến hết mình cho người bệnh. Nhưng để khuyến khích bác sĩ về với vùng cao thì cần có những đãi ngộ tương xứng hơn”.
Theo bác sĩ Đại, lĩnh vực y tế dự phòng còn bị “xem nhẹ”, chưa phát huy hết năng lực của y, bác sĩ. Bởi lẽ, trong điều kiện nhân lực ở đây còn thiếu, thì những bác sĩ có chuyên môn như bác sĩ Đại là “của hiếm” của huyện vùng cao này, nên ngoài công việc phụ trách công tác tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, đôi khi bác sĩ Đại còn phải hỗ trợ bên công tác điều trị...
Tuy nhiên, về lâu dài thì ngành y tế cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt để “giữ chân” đội ngũ bác sĩ này, sau khi hết thời hạn công tác theo hợp đồng.
Tại BVĐK tỉnh, sau 2 năm công tác tại Khoa Nội tổng hợp, được sự dìu dắt của đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Thành Tín đã vững vàng hơn về chuyên môn. Ngoài việc được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực ngành phụ trách, bác sĩ Tín còn "xin" đi trực nhiều hơn, vì qua đó có điều kiện học hỏi, tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ đi trước...
Bác sĩ Tín cho biết, hiện Khoa Nội tổng hợp đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân, mỗi ngày Khoa phải tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân, nên đa số người bệnh phải nằm chung 2 người/giường. Thực trạng này không những gây khó chịu cho người bệnh mà còn tạo áp lực cho y, bác sĩ, vì mỗi ngày bác sĩ phải đảm trách hai phòng bệnh, với gần 20 bệnh nhân, ngoài ra còn khám cho 8-10 bệnh nhân.
“Tôi mong được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện cho đi học chuyên khoa sâu. Để giảm áp lực quá tải bệnh nhân, bệnh viện cần chia ra các chuyên khoa lẻ, để hình thành những khoa chuyên sâu hơn và giảm áp lực cho các khoa như hiện nay”, Tín bày tỏ.
Còn đối với bác sĩ trẻ Hồ Viết Duẫn, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, sau 3 năm công tác theo diện thu hút tại Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh, anh đã được cơ quan tạo điều kiện để học lên thạc sĩ chuyên ngành y tế công cộng. Tuy nhiên, điều bác sĩ trẻ này trăn trở là phải tự túc kinh phí để đi học, chứ chưa được hỗ trợ từ ngành y tế.
Trăn trở về chính sách thu hút bác sĩ trẻ về công tác tại Quảng Ngãi, bác sĩ Tống Phước Long công tác ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho rằng: “Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết chúng tôi đều muốn tìm môi trường công tác hấp dẫn cả về vật chất và tinh thần để có điều kiện phát huy năng lực và có thu nhập tương xứng. Do đó, khi đăng ký về công tác tại tỉnh, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để những người trẻ phát huy được năng lực chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.
Cũng theo bác sĩ Long, ngoài các chính sách hỗ trợ ban đầu, tiền thuê nhà, ngành y tế cần phối hợp với chính quyền địa phương có cơ chế hỗ trợ để các bác sĩ đã lập gia đình tại Quảng Ngãi có điều kiện mua đất giá sàn, để có điều kiện an cư, lạc nghiệp.
Bài, ảnh: KIM NGÂN