(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc sống hiện đại, con người càng đối diện với nhiều loại bệnh khác nhau. Trong những bệnh thường gặp về khớp, thoái hóa cột sống, gai cột sống, đau thần kinh tọa, các hệ thần kinh, thì bệnh thoát vị đĩa đệm đang càng ngày trở nên phổ biến không chỉ với người già, mà nhiều người trẻ cũng đang mắc phải căn bệnh này.
Anh Lương Hoài Linh (37 tuổi), ở TP.Quảng Ngãi là một trong những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Nhập viện trong tình trạng đau cột sống dữ dội, chân phải tê nhức, đi lại khó khăn. Sau khi được thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận anh bị thoát vị đĩa đệm cột sống - lưng và chỉ định mổ. Từ khi mổ đến nay, sức khỏe anh đang dần hồi phục. Anh Linh chia sẻ: Khi chưa mổ, chân phải nhức và đau lắm, đi rất khó khăn. Sau khi được các bác sĩ chỉ định mổ, tôi đi lại bình thường và giờ không còn đau nữa.
Bệnh nhân sau mổ đĩa đệm được bác sĩ thăm khám tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. |
Đĩa đệm là một cấu trúc sụn – xơ, có khả năng đàn hồi và như một thấu kính lồi chêm vào giữa 2 đốt sống; có cấu tạo đặc biệt, bao gồm nhân nhày, bao quanh là bao xơ dày, chắc và các dây chằng. Đĩa đệm có vai trò như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ các dây thần kinh não tủy, tạo ra sự uyển chuyển cho cột sống trong các động tác xoay, nghiêng, cúi, ngửa... đồng thời nó còn là yếu tố giúp phân tán trọng lực và lực đè ép từ bên trên, do khiêng vác vật nặng và chống rung lắc của cơ thể. Khi những đĩa đệm bị chấn thương, chúng có thể phồng lên hoặc vỡ ra và được gọi là thoát vị đĩa đệm. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm.
Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Lê Văn Trị, cho biết: Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm là sai tư thế trong lao động, vận động và sinh hoạt; do thoái hóa, khi thoái hóa đốt sống gây ra hiện tượng đĩa đệm thoát ra ngoài giữa hai đốt sống gây chèn ép các rễ hoặc tủy thần kinh. Do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hay chấn thương trực tiếp, ngoài tổn thương xương còn tổn thương về đĩa đệm cột sống.
Thoát vị đĩa đệm xảy ra chủ yếu ở hệ thống cột sống, trong đó cột sống cổ và lưng là hai vị trí chịu nhiều sức ép nhất, nên rất dễ bị tổn thương. Tùy vào từng vị trí và vùng bị thoát vị đĩa đệm mà có các biểu hiện đặc trưng riêng. Bác sĩ Trị khuyến cáo: Nếu thoát vị vùng cổ sẽ có biểu hiện đau cổ, đau lan ra 2 vai và cánh tay (thường là một bên), kèm theo cảm giác tê kiến bò dần dần dẫn đến yếu tay. Nếu như thoát vị liên quan đến vùng cột sống thắt lưng, người bệnh đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng thắt lưng, ảnh hưởng đến việc đi lại, tức là đi trong vòng 50m cần phải ngồi xuống, vì chân tê đi không được.
Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như: Tàn phế suốt đời, đại tiểu tiện không tự chủ, bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mất khả năng lao động. Do đó, khi thấy các biểu hiện đau nhức vùng vai gáy và vùng thắt lưng, yếu cơ, có cảm giác tê chân tay, cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Gia Bảo