(Baoquangngai.vn)- Sau gần 2 tháng triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng, công tác kiểm tra, rà soát được thông tin cụ thể của từng đối tượng tiêm chủng trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, các trạm y tế xã, phường phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập trong việc sử dụng ứng dụng mới này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ ngày 1.6, Quảng Ngãi đã chính thức khởi động phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia với nhiều tiện ích nổi bật. Thông qua phần mềm, cán bộ y tế sẽ theo dõi lịch sử tiêm chủng, các loại, lô vắc xin đối tượng đã được tiêm, thời gian và địa điểm tiêm chủng một cách dễ dàng. Phần mềm còn gửi tin nhắn nhắc phụ huynh theo dõi và nắm thông tin tiêm chủng đúng lịch cho trẻ.
Ngoài ra, phần mềm này còn giúp việc báo cáo thống kê kết quả tiêm chủng và quản lý vắc xin nhanh chóng. Tuyến trên có thể xem báo cáo ngay khi tuyến dưới hoàn thành nhập liệu. Đồng thời, quản lý được chính xác nguồn vắcxin để cung ứng đủ và kịp thời cho các điểm tiêm chủng.
Nhiều tiện ích là vậy, nhưng đối với nhiều trạm y tế xã, phường, phần mềm vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng mà còn gây ra một số phiền toái, bất cập. Ngay khi triển khai phần mềm, các trạm y tế phải cập nhật dữ liệu về các đối tượng tiêm chủng trong 3 năm liên tiếp 2015, 2016 và 2017. Đây là khối lượng công việc khá lớn, nhưng hệ thống phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng lại thường xuyên gặp trục trặc.
Tiện tích từ phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng sẽ giúp cho công tác tiêm chủng trở nên nhẹ nhàng và chặt chẽ hơn |
“Nhiều lúc cán bộ y tế đang thực hiện thao tác nhập danh sách đối tượng tiêm chủng thì hệ thống báo lỗi, đứng máy. Chờ đến khi hệ thống hoạt động bình thường thì số liệu vừa được nhập đã không còn nữa. Như vậy thì chúng tôi lại phải nhập lại, vô cùng mất thời gian”- Phó Trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Nghiêm Lê Ngọc Lan cho biết.
Ngoài ra, việc nhập thông tin cụ thể về họ tên, tuổi, địa chỉ và cả số điện thoại của từng đối tượng tiêm chủng cũng gặp trở ngại khi buộc cán bộ y tế phải liên lạc nhiều lần về tổ, thôn mới có đủ dữ liệu để nhập lên hệ thống. Hơn nữa, ở các huyện miền núi, trình độ về công nghệ thông tin của cán bộ y tế còn thấp, thì việc triển khai phần mềm còn nhiều gian truân hơn nữa.
Bác sĩ Phạm Văn Xôn- Trưởng trạm Y tế xã Ba Khâm (Ba Tơ) chia sẻ: Đường truyền của phần mềm hay bị lỗi. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để cập nhật thông tin về đối tượng tiêm chủng. Ở miền núi, người dân sống thưa thớt chứ không tập trung nên công tác lên danh sách và dữ liệu để nhập lên hệ thống cũng vô cùng vất vả.
Mặc dù đã triển khai hơn 1 tháng, nhưng hệ thống dữ liệu về đối tượng tiêm chủng ở nhiều xã, phường vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này đã gây khó khăn lớn trong việc quản lý ở tuyến huyện, thành phố.
Chị Lê Thị Hiếu- Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi cho biết: Tuyến xã chưa cập nhật thông tin về đối tượng tiêm chủng xong thì tuyến huyện không thể dựa vào phần mềm mà lập kế hoạch tiêm chính xác để xuất vắc xin về cơ sở trong từng tháng.
Hiện việc triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng đang vấp phải nhiều khó khăn |
Cái khó trong việc chưa thể cập nhập dữ liệu lên phần mềm mới đã thấy rõ, nhưng đối với các trạm y tế đã hoàn thành công tác cập nhật thông tin tiêm chủng, thì khó khăn vẫn còn tiếp diễn. Như Trạm y tế phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi vừa hoàn thành cơ sở dữ liệu tiêm chủng của hơn 300 đối tượng tại địa phương. Hệ thống đã bắt đầu phát huy hiệu quả khi tự động đề xuất kế hoạch tiêm cho từng đối tượng trong các tháng.
Nhưng đối với thông tin đối tượng tiêm vãng lai thì trạm y tế xã không thể nào cập nhật đầy đủ. Chị Lê Thị Hường- Cán bộ công tác tiêm chủng phường Lê Hồng Phong bộc bạch: Đối tượng tiêm ở địa phương đã hoàn thành dữ liệu. Nhưng thông tin về đối tượng vãng lai lại rất khó quản lý. Từ đó gây ra sự không trùng khớp trong kế hoạch với số lượng tiêm thực tế mỗi tháng. Nên sẽ xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu vắcxin.
Thống kê mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng trên 21 nghìn trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng và hơn 34 nghìn đối tượng tiêm chủng là phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ diện tiêm chủng. Số lượng lớn nên nếu quản lý theo hình thức thủ công sẽ rất khó.
Do đó, phần mềm quản lý chung đang được kỳ vọng giúp cho công tác tiêm chủng trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, những khó khăn mắc phải khi triển khai phần mềm này đang khiến cho nhiều trạm y tế tốn nhiều thời gian và công sức hơn.
Nói về những khó khăn trong thời gian đầu triển khai phần mềm mới, ông Bùi Xuân Liêm- Phó Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho hay: Trước khi triển khai phần mềm, 184 Trạm đều được trang bị máy tính có nối mạng và cử cán bộ đi tập huấn kỹ. Những khó khăn các trạm y tế đang gặp phải với phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng đã được chúng tôi dự lường trước.
Do vậy, tuyến tỉnh, huyện luôn theo dõi sát và kịp thời hỗ trợ cho các trạm y tế xã. Đến thời điểm này, phần mềm đang được triển khai hiệu quả với tinh thần vừa làm vừa chỉnh sửa để khắc phục các khó khăn gặp phải.
Bài, ảnh: An Điền