Nắng nóng, nhiều người nhập viện

02:06, 07/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết nắng nóng gay gắt trong những ngày vừa qua khiến nhiều trẻ em, người già có sức đề kháng yếu phải nhập viện. Trong khi đó, một số bệnh có nguy cơ bùng phát như tay chân miệng,  tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm..., nếu không chủ động phòng tránh.
 
 
Quá tải bệnh nhân
 
Trong tuần qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân đến khám, nhập viện điều trị tăng cao so với những tháng trước đây. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận trên 1.270 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị, nhiều nhất là trẻ em và người già.
 
Trong đó, hơn 400 trường hợp phải nhập viện điều trị, với các chứng bệnh như viêm phổi, suy tim, các bệnh về da, thủy đậu, sởi... Vì thế, một số khoa luôn quá tải như: Khoa Nhi dao động khoảng 170 bệnh nhân/111 giường bệnh; nội tim mạch 173 bệnh nhân/100 giường bệnh, nội tổng hợp 183 bệnh nhân/95 giường bệnh...
 
Tại các cơ sở y tế và các phòng khám tư trên địa bàn tỉnh, tình trạng bệnh nhân đến khám, nhập viện điều trị trong những ngày qua luôn gia tăng. Chị Nguyễn Lê Thục Trang, ở tổ 3, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) đưa con đi khám bệnh tại một cơ sở y tế cho biết: Do trời quá nắng nóng nên cháu thường xuyên tắm dẫn đến cảm lạnh, sốt cao.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên cho rằng, người dân cần lưu ý các bệnh về đường tiêu hóa, say nắng, tim mạch ở người già, bởi đã có trường hợp tử vong vì sốc nhiệt, do nắng nóng.
 
Mặt khác, trời nắng nóng làm cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước, sức đề kháng kém là nguyên nhân dễ gây viêm đường hô hấp. Nguy cơ càng cao khi có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột như: Uống nước quá lạnh khi đang nóng hay khi đang toát mồ hôi, vừa ở ngoài trời nóng về đã tắm nước lạnh, từ bên ngoài bước ngay vào phòng lạnh hoặc ngược lại.
 
 
Các bậc cha mẹ cần chủ động phòng tránh bệnh mùa nắng nóng cho trẻ.
Các bậc cha mẹ cần chủ động phòng tránh bệnh mùa nắng nóng cho trẻ.
 
Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi, bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ khuyến cáo: Cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ đang ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không cho trẻ vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay, mà nên lau khô mồ hôi cho trẻ. Khi muốn ra ngoài, cha mẹ nên tắt điều hòa, mở cửa phòng một lúc cho trẻ dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài...
 
Đề phòng say nắng, sốc nhiệt
 
Bác sĩ Hồ Minh Nên cho rằng, nắng nóng và nhiệt độ quá cao như hiện nay có thể gây tổn hại cơ thể ở nhiều mức độ, từ say nắng cho đến sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt), đặc biệt dễ xảy ra ở những người lớn tuổi (trên 70), trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi) và những người bị bệnh mãn tính. Những người phải làm việc dưới trời nắng rất dễ bị say nắng.
 
Triệu chứng của say nắng có thể là mệt mỏi, yếu cơ, suy nhược, vã mồ hôi, buồn ói, đau đầu, đau cơ, hoa mắt, tăng thân nhiệt hoặc nặng hơn là xuất hiện ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng, hôn mê, co giật... Bên cạnh yếu tố thời tiết, một số yếu tố khác có thể làm cho cơn say nắng dễ xảy ra hơn và diễn tiến nặng nề hơn, như bệnh tim, bệnh ngoài da, mất nước nặng, bệnh lý nội tiết...
 
Việc đầu tiên cần làm đối với bệnh nhân say nắng là đưa ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ bớt quần áo để nằm nghỉ với đầu thấp. Sau đó, người bệnh cần được làm mát tức thì bằng cách chườm nước mát, sử dụng quạt để tăng bay hơi ở vùng cổ, nách, bẹn.
 
Bệnh nhân có thể bù nước và các chất điện giải bằng cách cho uống nước có pha muối (4-5g muối ăn trong một lít nước) hoặc uống dung dịch oresol cho đến khi hết khát. Bảo vệ đường thở, hỗ trợ hồi sức hô hấp, tuần hoàn khi bệnh nhân có tình trạng ngưng hô hấp, tuần hoàn.
 
 
 
 
 K.NGÂN
 
 

.