Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Temple và Đại học Pittsburgh của Mỹ đã thử nghiệm thành công kỹ thuật chỉnh sửa gen để loại bỏ các DNA của virus HIV từ cơ thể các động vật sống. Đây là bước tiến khoa học, có thể được áp dụng để ngăn ngừa việc lây nhiễm HIV giữa người.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công kỹ thuật chỉnh sửa gen để chữa HIV trên chuột sống. Phương pháp này sẽ được nghiên cứu thêm để áp dụng lâm sàng trên cơ thể người bệnh.
Thử nghiệm được đăng trên tạp chí Molecular Therapy, các nhà khoa học đã cấy các tế bào miễn dịch của người bị nhiễm HIV vào cơ thể chuột và thực hiện việc loại bỏ virus này thành công. Nghiên cứu cho thấy, sự tái tạo virus HIV trong cơ thể chuột đã bị ngưng lại, nhưng việc áp dụng kỹ thuật này lên cơ thể người vẫn còn đang được nghiên cứu thêm.
Wenhui Hu, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, nhóm các nhà khoa học đã nâng cao hiệu quả của kỹ thuật chỉnh sửa gen với công nghệ CRISPR/Cas9. Được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đây, kỹ thuật này có hiệu quả ở cả hai mẫu chuột bổ sung, một đại diện cho trường hợp nhiễm virus HIV cấp tính ở tế bào chuột, và một đại diện cho trường hợp nhiễm virus tiềm ẩn trong tế bào người. Biểu hiện gen HIV-1 trong RNA giảm 60 đến 95%.
Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng hệ thống hình ảnh cải tiến để theo dõi vị trí chính xác của các tế bào bị nhiễm HIV. Hệ thống này giúp quan sát virus HIV-1 trong thời gian nhất định và các nguồn nơi tế bào có nguy cơ tiềm ẩn nhiễm HIV-1.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phương pháp này sẽ mang lại kết quả thành công trên người.
Genetic Engineering and Biotechnology News dẫn lời nhà đồng nghiên cứu Kamel Khalili cho biết: “Giai đoạn tiếp theo là lặp lại nghiên cứu trên động vật linh trưởng, loài động vật có nhiều điểm chung với con người nhất, để giải thích thêm việc loại bỏ DNA HIV-1 trong các tế bào T bị nhiễm HIV và các vị trí tiềm ẩn nhiễm HIV-1 khác, trong đó có tế bào não. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người bệnh”.
Theo Sputnik