(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2 ổ dịch cúm A (H5N6) trên đàn gia cầm của các hộ dân ở các thôn Nga Mân, Mỹ Trang, xã Phổ Cường (Đức Phổ) và thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi). Các đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm với hơn 10.000 con.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sáng 19.2, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức đã cùng với cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người ở vùng xảy ra dịch cúm A (H5N6) thuộc thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức (đầu tiên, bên trái) cùng với cán bộ y tế hướng dẫn người dân ở vùng ổ dịch cúm A (H5N6) cách phòng, chống bệnh từ gia cầm lây lan sang người. Ảnh: Ph.Lý |
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Đông Huỳnh Mười cho biết, vào ngày 14.2, nhận được tin báo của hai hộ chăn nuôi gà theo mô hình gia trại là ông Nguyễn Cao Tuấn và ông Nguyễn Văn Lộc, ở thôn Tự Do, về tình hình dịch bệnh của đàn gà. Cán bộ chức năng đã tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả dương tính với virút cúm A(H5N6). Ngày 17.2, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn gà hơn 4 tháng tuổi của hai hộ dân nói trên với số lượng 7.300 con, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Tại xã Phổ Cường (Đức Phổ) cũng đã phát hiện và tiêu hủy đàn vịt, gà bị nhiễm cúm A (H5N6) của hai hộ dân sống trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Võ Cương cho biết, ngày 7.2 chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn vịt của hộ ông Nguyễn Hiệp ở thôn Mỹ Trang. Tổng đàn vịt của ông Hiệp hơn 1.600 con, đàn vịt đã chết rải rác trước đó và gia đình tự đem tiêu hủy, sau đó mới báo lên chính quyền địa phương. Vào ngày 17.2, UBND xã Phổ Cường cũng đã tiến hành tiêu hủy đàn gà mắc cúm A (H5N6) của hộ ông Trần Anh Phi (ở thôn Nga Mân) với hơn 2.700 con. Ước thiệt hại của hai hộ dân nói trên hơn 200 triệu đồng.
Tiêu hủy đàn gia cầm nhiễm cúm A/H5N6 ở hộ ông Trần Anh Phi, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ). Ảnh: T.Kỳ |
Ông Nguyễn Tấn Lái – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ, cho biết: Ngay sau khi nhận được nguồn hỗ trợ vắcxin và hóa chất của tỉnh, huyện đã khẩn trương phân bổ cho 13 xã, thị trấn. Hiện tại, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đang phối hợp với ngành thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm và phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh. “Trước hết là tiêm phòng cho đàn gia cầm của các hộ nuôi lớn. Và, sau đó sẽ nhận vắcxin về tiêm tiếp sau khi đã hết 40 nghìn liều đã ứng vừa rồi” – ông Lái nói.
Cán bộ y tế ở hai địa phương nói trên đã phối hợp với cán bộ chức năng, tiến hành tiêu độc khử trùng ở vùng ổ dịch. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức cho biết, Sở Y tế đã ra văn bản chỉ đạo cho toàn bộ hệ thống y tế của tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A (H5N6) từ gia cầm lây sang người, cụ thể là chỉ đạo cho cán bộ y tế phải phối hợp với ngành nông nghiệp khi phát hiện có dịch cúm gia cầm, thì tiến hành tiêu hủy gia cầm theo đúng quy định.
Cán bộ y tế phải xuống vùng dịch để tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng tránh từ bệnh gia cầm lây sang người; tăng cường giám sát dịch bệnh, nếu phát hiện bệnh từ gia cầm lây sang người thì phải báo ngay, khoanh vùng không để cho dịch phát triển và các cơ sở y tế điều trị phải chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư để điều trị cho người dân.
Hiện nay, trước tình hình dịch cúm A(H7N9) diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch.
Người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết Ngành y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong. |
P.LÝ-T.KỲ