(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, số người đến tiêm phòng dại tại các cơ sở y tế tăng cao. Ghi nhận tại Trung tâm Y tế dự phòng TP. Quảng Ngãi, từ đầu năm 2017 đến nay đã có hơn 334 ca tiêm phòng dại, riêng mùng 10 Tết đến nay có gần 50 trường hợp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau Tết Nguyên đán đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi có rất đông người đến tư vấn và tiêm phòng bệnh dại. Cán bộ phụ trách tiêm phòng dại ở Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi, y sĩ Võ Thị Mỹ Vân cho biết, có rất nhiều trường hợp tiêm phòng dại là trẻ em, trong đó nhiều em bé chỉ mới vài tháng bị chó, mèo cắn phải tiêm huyết thanh kháng dại.
Người dân đi tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi. |
Nhiều trường hợp người dân chủ quan, tin vào các phương pháp dân gian dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng. Chị Nguyễn Thị Đông, ở phường Quảng Phú, có con trai vừa tiêm phòng dại cho biết, con trai chị bị chó cắn ở mông. Theo chỉ dẫn của người quen, người nhà đã dùng dao liếc vào vết thương và trét đất bùn để hút nọc độc. Hai ngày sau, vết thương trên cơ thể cháu bé bị nhiễm trùng, sưng tấy, gia đình vội đưa cháu bé đến khám bác sĩ và tiêm phòng dại.
"Bệnh dại là bệnh viêm não cấp tính do virus dại thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Virus bệnh dại sau khi đi vào cơ thể sống sẽ tác động vào hệ thần kinh làm cho con vật (và người bị nhiễm) trở nên điên dại rồi chết. Nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó (90%), mèo (5%). Khi người bị nhiễm bệnh dại lên cơn thì không có bất cứ loại thuốc nào có thể chữa khỏi. Tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối với các ca nhiễm. Bệnh này chỉ có thể điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại". Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh HỒ MINH NÊN |
Còn bà Nguyễn Thị Mẫn (70 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm, bị chó cắn ở chân. Sau khi bị chó cắn, bà tự nặn cho máu chảy với hy vọng sẽ bớt virus dại. Khi đến cơ sở y tế, bà Mẫn mới hay việc nặn vết thương sẽ khiến virus dại phát tán nhanh hơn.
Trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm do người dân thiếu hiểu biết trong việc phòng bệnh dại.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hồ Văn Nên khuyến cáo, khi bị chó cắn phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng đặc. Sau đó, có thể rửa lại bằng các dung dịch sát khuẩn như cồn và đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại theo sự chỉ định của các bác sĩ.
Đối với con vật cắn phải được nhốt lại theo dõi trong vòng 20 ngày. Nếu chó có bệnh, bỏ ăn hoặc chết phải báo ngay cho cơ sở đang tiêm phòng. Tuyệt đối không nên giết chó làm thịt ăn, vì trong quá trình giết chó nếu con vật bị bệnh dại có thể lây nhiễm qua vết trầy xước trên da.
Theo ông Hồ Minh Nên, việc hút máu ở vết thương không thể phòng bệnh dại mà chỉ làm vết thương dễ nhiễm trùng. Hiện nay, tiêm vắc-xin phòng dại là điều trị dự phòng nên không chống chỉ định ngay cả khi tiêm cho phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc trẻ mới sinh. Vắc-xin phòng dại thế hệ mới Verorab được sản xuất từ nuôi cấy virus dại trên tế bào Vero nên rất an toàn, không gây ra các bệnh về não.
“Cho đến nay kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%, nên tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam, đi thầy lang để tránh cái chết oan uổng”, ông Nên nhấn mạnh. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có 5-6 nghìn trường hợp tiêm phòng dại. Riêng tại TP.Quảng Ngãi có gần 2.700 trường hợp.
Bài, ảnh: KIM NGÂN