(Baoquangngai.vn)- Việc tiêm thuốc, truyền dịch cho người bệnh chỉ được thực hiện trong trường hợp cấp cứu hoặc khi phòng khám tư nhân được cấp phép cung cấp dịch vụ này, theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khá nhiều cơ sở phòng khám tư nhân trên địa bàn Quảng Ngãi thực hiện việc làm này bất chấp quy định.
Cứ đau ốm thì đòi tiêm thuốc!
Lâu nay, có một quan niệm khá phổ biến rằng, dùng thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống. Do đó, rất nhiều người dân, nhất là ở các vùng nông thôn, thường nhờ đến việc tiêm thuốc để “mau bớt bệnh”. Và khi đến phòng khám, một số bệnh nhân cũng nài nỉ thầy thuốc cho thuốc tiêm, thậm chí còn đòi hỏi được truyền nước.
Chị Bùi Thị Thu T. ngụ ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi cho biết, mẹ của chị năm nay đã ngoài 80 tuổi, thường xuyên bị đau nhức khớp. “Cứ 1-2 tháng thì bà cụ bị đau đến mức không ăn, không ngủ được nên tôi hay chở đến phòng khám của bác sĩ trên đường Lê Lợi, TP.Quảng Ngãi để khám rồi tiêm thuốc. Mỗi lần như vậy, bà cụ lại đỡ đau hẳn và có thể sinh hoạt bình thường”- chị T. cho biết.
Lạm dụng tiêm thuốc, truyền dịch không đúng trường hợp dễ gây ra các nguy cơ sốc thuốc, tai biến, thậm chí là tử vong. |
Theo chị T., đã nhiều lần mẹ của chị bị đau và được kê đơn uống thuốc nhưng không đỡ cho đến khi được bác sĩ ở phòng khám tư nhân tiêm thuốc. Bản thân chị T. dù biết việc tiêm thuốc, truyền dịch có nhiều rủi ro nhưng chị vẫn sử dụng cách này để chữa bệnh cho mình và người thân. “Tôi biết có một số người bị sốc thuốc rồi không xử lý kịp nhưng mình chích lần đầu thấy không có việc gì thì cứ đau nhức ở đâu là đi chích thuốc cho đỡ thôi”- chị T. chủ quan nói.
Không riêng chị T., mà rất nhiều người khác có ý nghĩ chỉ cần tiêm thuốc, truyền dịch thì người đau ốm sẽ mau khỏe trở lại. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, quan niệm này vô cùng phổ biến. Theo bà Nguyễn Thị Đ.- một người chuyên cung cấp dịch vụ tiêm thuốc tại nhà ở xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi, ngày nào bà Đ. cũng bận rộn với lịch hẹn đi tiêm thuốc, truyền dịch cho hơn 10 trường hợp.
“Ai bị đau nhức chân, ăn không được, ngủ không được hay bị bất cứ vấn đề gì về sức khỏe thì thường hay gọi điện để tôi đến tận nhà tiêm thuốc và truyền nước biển”- bà Đ. thật thà chia sẻ. Với kinh nghiệm làm điều dưỡng lâu năm, bà Đ. thừa nhận, khả năng một người bị sốc thuốc hoặc phản ứng sau tiêm tuy thấp, nhưng không phải là hoàn toàn không xảy ra. Rất nhiều người không hiểu điều này mà vẫn lạm dụng việc tiêm thuốc, truyền nước để chữa bệnh.
Tự tiêm thuốc, truyền dịch bị phạt nặng
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc chỉ định chích thuốc chỉ được áp dụng đối với các trường hợp bệnh nhân nặng hoặc hôn mê, không dùng thuốc qua đường miệng được. Thuốc không có chế phẩm dùng đường uống hoặc tùy trường hợp đặc biệt có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Các cơ sở y tế đủ điều kiện và được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ tiêm chích, thay băng mới có quyền cung cấp dịch vụ tiêm thuốc, truyền nước cho người bệnh theo chỉ định của bác sĩ |
Ông Lê Văn Phương- Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Theo Luật khám, chữa bệnh và các Thông tư 41 năm 2011 và sửa đổi năm 2015 của Bộ Y tế quy định về các điều kiện, phạm vi hoạt động hành nghề của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, các phòng khám, chữa bệnh tư nhân không được tiêm thuốc cho người bệnh, trừ những trường hợp cấp cứu. Nếu muốn thực hiện hoạt động tiêm thuốc thì phải có đăng ký dịch vụ tiêm và được giám đốc Sở Y tế phê duyệt và cấp phép hoạt động.
Bên cạnh đó, Nghị định 176 của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt đối với các cơ sở y tế có hành vi tự tiêm thuốc thì sẽ bị phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 5 phòng khám tư nhân được Sở Y tế cấp phép cung cấp dịch vụ tiêm thuốc, thay băng theo chỉ định của bác sĩ.
Quy định là vậy, thế nhưng hiện ở rất nhiều phòng khám tư nhân, bên cạnh việc khám, chữa bệnh và kê đơn, bác sĩ còn kiêm luôn việc tiêm thuốc. Đây là một việc làm vô cùng mạo hiểm vì lỡ xảy ra các trường hợp sốc thuốc, phản ứng sau thuốc thì các cơ sở y tế tư nhân sẽ không đủ các điều kiện về trang thiết bị, con người để cấp cứu.
Nếu ngành Y tế không có biện pháp can thiệp, chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, thì tính mạng của người bệnh có nguy cơ cao bị đe dọa bất cứ lúc nào khi đến sử dụng dịch vụ tiêm thuốc, truyền dịch tại các cơ sở này.
Bài, ảnh: Thiên Vương