Chủ động tiêm phòng để phòng, tránh bệnh quai bị

04:11, 17/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang vào mùa mưa lớn, một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, nhất là bệnh quai bị.  Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có gần 300 trường hợp mắc bệnh (chưa tính số bệnh nhân tự ý điều trị tại nhà).

Quai bị là bệnh chưa có thuốc đặc trị, dễ lây lan trong cộng đồng. Mới đây, tại Trường Mầm non 28.8 huyện Trà Bồng bùng phát ổ dịch bệnh quai bị với 20 học sinh và 2 giáo viên mắc bệnh. Do bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở môi trường học đường nên việc phòng, tránh gặp nhiều khó khăn.

Không ít phụ huynh còn chủ quan nên việc điều trị, phòng ngừa bệnh cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nguy cơ phát sinh thành dịch. Cùng với đó, khi mắc bệnh, đa phần các gia đình để con trẻ điều trị tại nhà, chỉ đưa các cháu đến các trung tâm y tế khi đã có những biến chứng khác đi kèm, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Trường Tiểu học Phổ Thạnh (Đức Phổ) triển khai cho học sinh rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh dịch bệnh.
Trường Tiểu học Phổ Thạnh (Đức Phổ) triển khai cho học sinh rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh dịch bệnh.


Chị Nguyễn Thị Hồng (Trà Bồng) có con  trai bị bệnh chia sẻ: “Thấy con đi học về  sốt, khô miệng, nuốt nước bọt có cảm giác đau họng, nhức đầu, sưng bên má, nên tôi đi mua thuốc cho cháu uống. Sau đó con vẫn mệt mới đưa đi bệnh viện thì phát hiện là bị bệnh quai bị”. Hay như trường hợp của cháu Nguyễn Thị Thu Thảo ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), do bố mẹ chủ quan, thấy các triệu chứng nóng, đau đầu của con nghĩ là bị cảm cúm, chỉ mua thuốc điều trị tại nhà. Bốn ngày sau cháu trở nặng, đến phòng khám tư để kiểm tra thì bác sĩ kết luận cháu  bị quai bị, rất may không xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: Bệnh quai bị có vắc xin phòng tránh, nhưng hiện nay chưa được đưa vào triển khai trong chương trình tiêm chủng quốc gia, mà chủ yếu triển khai tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số tiêm phòng chưa cao, tính từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng trên 500 trường hợp tiêm phòng dịch vụ. Chính vì vậy, việc phòng, tránh bệnh chủ yếu dựa vào sự chủ động của người dân trong cộng đồng là chính.

Theo bác sĩ Hồ Minh Nên, bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai dịch tễ hay viêm tuyến nước bọt mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hoá mủ.

Ngoài ra, các tuyến nước bọt khác, tinh hoàn, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương. Bệnh dễ gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam. Đối với nam, từ 20-35% dễ biến chứng viêm tinh hoàn. Trong đó, có 5% có biến chứng teo tinh hoàn dễ dẫn đến vô sinh. Đối với nữ, khoảng 7% dễ dẫn đến viêm buồng trứng, ảnh hưởng chức năng sinh sản.

Để phòng, tránh bệnh quai bị, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các địa phương cử cán bộ đến các trường học khảo sát tình hình bệnh, phun khử trùng bằng dung dịch Cloraminh B, hướng dẫn học sinh vệ sinh ăn uống; trang bị khẩu trang cho học sinh, thực hiện cách ly những ca mắc bệnh tại các điểm xảy ra bệnh, không để bệnh lây lan.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà điều trị chủ yếu là tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não... Điều trị cụ thể với thể viêm tuyến mang tai: Xúc miệng bằng nước muối 0,9%, dung dịch axit boric 5%, hạ sốt nếu sốt quá cao, có thể dùng giảm đau (paracetamol), an thần nhẹ  (rotunda), dùng các vitamin nhóm B, C, uống nước chanh, cam, ăn lỏng... Khi có trẻ bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly trên 10 ngày để tránh lây lan cho các cháu khác.
                  

Bài, ảnh: KN

 


.