Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika

07:09, 16/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch sốt xuất huyết và dịch bệnh Zika đang lây lan ở các nước Đông Nam Á, ngành Y tế Quảng Ngãi chú trọng đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân phòng bệnh. 
Ra quân diệt bọ gậy, lăng quăng
 
Những ngày qua, khi có thông tin dịch bệnh Zika đang lây lan mạnh ở vùng Đông Nam Á, cụ thể là Singapore, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi đã đồng loạt ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy với phương châm không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết và Zika.
 
Thời gian này, không chỉ cán bộ y tế ở Trạm, thôn mà cán bộ các hội, đoàn thể ở tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cũng được huy động đến từng nhà người dân để hỗ trợ diệt lăng quăng, bọ gậy. Những chiếc đèn pin là vật dụng quen thuộc được cán bộ y tế thôn dùng để soi, tìm lăng quăng tại các hồ, chậu đựng nước.

 

Dùng đèn pin soi tìm và diệt lăng quăng, bọ gậy
Dùng đèn pin soi tìm và diệt lăng quăng, bọ gậy
 
Không chỉ vậy, sau khi hỗ trợ tìm diệt tác nhân gây nên sốt xuất huyết và Zika, các cán bộ y tế còn tuyên truyền cho người dân hiểu cách giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi. “Mình phải biết cách úp, đổ những vật có thể đựng nước đọng như lu, chậu hay bình hoa để lăng quăng không có môi trường sống thì muỗi cũng sẽ ít đi”- Bà Phạm Thị Hồng Vân ở tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm chia sẻ.
 
Tại xã biển Tịnh Kỳ, do đặc thù là vùng biển, thường xuyên thiếu nước ngọt nên đa phần người dân đều tích trữ nước được mua về để sử dụng. Đây cũng là môi trường thuận lợi để lăng quăng, bọ gậy sinh sản và phát triển thành muỗi. “Những ngày qua, cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh, cán bộ y tế địa phương cũng thường xuyên đến tận nhà dân kiểm tra, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh”- Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn- Trưởng Trạm Y tế xã Tịnh Kỳ cho hay.
 
Ngoài những đợt ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy theo quy mô nhỏ của từng thôn, tổ, trong thời điểm dịch bệnh, hàng tháng, TP.Quảng Ngãi đều tổ chức từ 1- 2 đợt chiến dịch quy mô rộng hơn trên toàn địa bàn, huy động không chỉ cán bộ y tế mà còn cả lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng tham gia vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virut zika.
 
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để phòng bệnh
 
Tính đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh sốt xuất huyết, chưa có ca bệnh Zika nào. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng bệnh là vô cùng cần thiết.

 

Cần đẩy mạnh tuyền truyền đến từng hộ dân về dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika
Cần đẩy mạnh tuyền truyền đến từng hộ dân về dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika
 
Hiện nhiều hộ dân vẫn còn khá mù mờ khi được hỏi về dịch bệnh Zika, thậm chí còn lơ là trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Lý giải một phần nguyên nhân về tình trạng này, Bác sĩ Huỳnh Thúc Sinh- Trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: Trước đây, ngoài 19 người là đội ngũ cán bộ y tế trạm và tại thôn, phường còn 27 cộng tác viên thường xuyên đến tận nhà dân tuyên truyền về cách phòng bệnh sốt xuất huyết.
 
“Do đó, việc phòng bệnh cũng như phát hiện ca bệnh và dập bệnh lúc nào cũng rất tích cực, kịp thời. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn kinh phí để duy trì đội ngũ này không còn, nên khối lượng công việc dồn về cho cán bộ y tế khá nhiều. Công tác tuyên truyền không còn thường xuyên, tích cực như trước vì đội ngũ mỏng”- Ông Sinh nói thêm.
 
Bên cạnh đó, nguồn kính phí để in ấn tờ rơi còn khá hạn chế. Nên công tác tuyên truyền trực quan sinh động đến người dân cũng bị giảm sút. Gây ảnh hưởng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng bệnh sốt xuất huyết cũng như Zika.
 
Với những địa phương ven biển như xã Tịnh Kỳ, đại đa số người dân vẫn còn chủ quan với dịch bệnh. Qua đợt ra quân lần này, đoàn công tác đã phát hiện không ít các hủ, chậu, mảnh vỡ đọng nước có lăng quăng, bọ gậy. Đây là địa phương có ổ dịch cũ từ những năm trước nên nguy cơ lây bệnh sốt xuất huyết cũng như virut Zika khá cao.

 

Tình trạng để nước đọng ở nhiều lu, sành, chậu sinh ra bọ gậy, lăng quăng vẫn còn khá nhiều trong cộng đồng
Tình trạng để nước đọng ở nhiều lu, sành, chậu sinh ra bọ gậy, lăng quăng vẫn còn khá nhiều trong cộng đồng
 
Ông Phạm Ngọc Thanh- Trưởng thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ cho biết: Ở đây nhà nào cũng có lu, chậu để chứa nước mưa hoặc nước ngọt dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng khi có dịch thì người dân mới nghe tuyên truyền chứ không định kỳ nên nhiều hộ không có ý thức cao trong việc vệ sinh môi trường thường xuyên. Năm nào trong thôn cũng có người bị sốt xuất huyết.
 
Hiện dịch sốt xuất huyết vẫn đang hành hoành. Ngoài ra, do sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực,virut Zika có nguy cơ rất lớn nhiễm vi-rút Zika lây nhiễm tại Việt Nam nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
 
Riêng tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã gởi 10 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ virut zika để xét nghiệm và kết quả đều âm tính. Tuy nhiên, với diễn biến khá phức tạp của dịch bệnh do virut Zika, ngành Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân không được chủ quan trong việc phòng ngừa.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.