Tăng cường kiểm soát dân số vùng biển

10:08, 17/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 7 năm thực hiện Đề án kiểm soát dân số vùng biển (Đề án 52) đã góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), ổn định quy mô dân số vùng biển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương vẫn còn “nóng” tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.

Gia đình anh Bùi Văn Ngoan ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), mặc dù đã sinh đến 6 con (đều là gái), nhưng vẫn sinh đứa thứ 7 để mong kiếm con trai. Đây cũng là tâm lý chung của không ít cư dân vùng biển.

Nghĩa An là địa phương có quy mô dân số lớn thứ 2 của TP.Quảng Ngãi. Nguyên nhân do người dân chủ yếu làm nghề biển, còn có quan niệm chưa tiến bộ trong sinh đẻ. Những đứa trẻ sinh ra, nếu học hành tốt thì bố mẹ cho học hết cấp 3, khá thì học lên chuyên nghiệp; còn không thì phải có con trai để bám biển hoặc vào Nam làm thuê... Trong  6 tháng đầu năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Nghĩa An chiếm 23% dân số toàn xã. Đây cũng là thực trạng chung ở các xã ven biển của thành phố, như xã Nghĩa Phú (35%); Tịnh Kỳ (18%)...    

 Trẻ em vùng biển Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi).
Trẻ em vùng biển Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi).


Bà Lê Thị Ánh Sương - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Quảng Ngãi cho biết: “Thách thức lớn nhất là do tư tưởng sinh con trai vẫn còn quá nặng nề ở các xã vùng biển; mặt khác do điều kiện nghề nghiệp phải làm ăn dài ngày trên biển, nên ít được tiếp cận với dịch vụ và thông tin tuyên truyền về DS-KHHGĐ”.

Kiểm soát có hiệu quả quy mô dân số, chất lượng dân số các xã ven biển, bãi ngang được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Từ năm 2009 đến nay,  ngành dân số đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 52 tại 26 xã đảo, ven biển thuộc 5 huyện, thành phố trong tỉnh.
 

Dân số các xã thuộc vùng biển, đảo, ven biển chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Hiện nay, tỷ suất sinh thô dân số vùng biển chiếm 17%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chiếm 11%o, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hằng năm chiếm 73%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao (12,2%). Quy mô dân số vùng biển, đảo, ven biển hiện chưa ổn định.

Trong 5 năm gần đây, hơn 76 nghìn phụ nữ vùng biển được tư vấn, khám thai, chăm sóc SKSS và hơn 30 nghìn chị em được điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Chính nhận định: “Sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho việc triển khai Đề án 52 được thuận lợi.

Kết quả quan trọng đạt được đó là chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề DS-KHHGĐ; cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Đề án đã tạo “cú hích” trong thực hiện mục tiêu chăm sóc SKSS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số vùng ven biển của tỉnh”.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc triển khai Đề án 52 tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu vùng biển. Công tác chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ, cũng như vấn đề nâng cao hiểu biết cho ngư dân vẫn gặp không ít trở ngại, vì việc thay đổi nếp nghĩ và phong tục tập quán của người dân vùng biển không thể một sớm, một chiều.
                 

  Bài, ảnh: KN
 


.