(Báo Quảng Ngãi)- Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ bị bệnh tự kỷ ngày càng tăng. Cứ 88 trẻ thì có 1 em bị tự kỷ. Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó chưa nói lên hết thực trạng, vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường.
Những năm gần đây, bệnh tự kỷ đã trở thành mối quan tâm, lo ngại chung của toàn xã hội. Đáng lo ngại là, thông tin liên quan đến căn bệnh này ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy có thể ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi cho biết: Tùy theo giai đoạn phát triển về nghiên cứu trẻ tự kỷ mà việc nhìn nhận bệnh tự kỷ có những thay đổi. Theo nghiên cứu năm 2013 ở Mỹ, người ta gọi bệnh tự kỷ ở trẻ em là rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ chủ yếu tập trung ở 2 nhóm triệu chứng, triệu chứng thứ nhất là rối loạn sự tương tác và giao tiếp xã hội; thứ 2 là liên quan đến những hành vi, ham thích mang tính chất lặp lại và hạn chế. Bệnh có khả năng tiến triển suốt đời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Những dấu hiệu phát hiện sớm chứng tự kỷ. Ảnh: Internet |
Nhiều gia đình khi nghe con mình bị chẩn đoán tự kỷ thì hoảng sợ, bỏ điều trị, không chịu chấp nhận. Đó là nhận thức hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho trẻ. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện, can thiệp sớm (trước 3 tuổi) thì cơ hội khỏi hoàn toàn sẽ rất cao. Nếu để nặng thì có thể sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần. Mỗi trẻ mắc bệnh tự kỷ có biểu hiện khác nhau, vì thế không có phương pháp điều trị chuẩn cho tất cả các trường hợp. Cha mẹ cần phối hợp với bác sĩ, chuyên gia để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho con em mình.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ cho biết thêm: Hiện nay, chăm sóc trẻ tự kỷ là một vấn đề khó trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phải tìm phương pháp can thiệp tiện ích nhất, ít chi phí và phù hợp với cộng đồng. Bệnh viện Tâm thần thực hiện điều trị tại bệnh viện, một ngày một trẻ chỉ điều trị 1 tiếng đồng hồ, vì không đủ thời gian. Sau đó phải chuyển tải các phương pháp điều trị cho gia đình, làm sao cho 1 đứa trẻ mỗi ngày phải được can thiệp chuyên biệt khoảng 4 tiếng đồng hồ, thì sau 2 năm có khả năng phát triển bình thường”.
Trẻ tự kỷ là chỉ tập trung vào cái bé thích, không để ý đến những gì ba mẹ đang muốn nói. Các bậc cha mẹ cần dựa vào sở thích của từng trẻ để chăm sóc, tiếp cận, giáo dục. Ban đầu, trẻ có thể không để ý, thậm chí chống đối nên phụ huynh cần đặc biệt kiên nhẫn.
Một phụ huynh có con bị tự kỷ cho biết: “Trước đây chăm bé rất khó, bé chỉ làm theo ý mình, gọi cũng không thèm nghe... Từ khi đi học ở Bệnh viện Tâm thần thấy có tiến triển. Ở đây cô dạy cho bé cái gì thì hướng dẫn lại cho bố mẹ rồi mình về nhà chỉ cho bé tiếp cái đó. Tuy nhiên, mình phải chịu khó vì ban đầu bé rất ít chú ý. Tới nay, học được một năm, bé cũng đã biết nhiều rồi”.
Vẫn biết chăm sóc trẻ tự kỷ khó hơn rất nhiều so với trẻ phát triển bình thường. Nhưng nếu theo phương pháp đúng thì cha mẹ có thể giúp con vượt qua chính những khó khăn của bản thân con, để có thể nhận thức xã hội và hòa nhập cuộc sống.
Kim Liên