(Baoquangngai.vn)- Công tác chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ tại Quảng Ngãi như thế nào cho hiệu quả là vấn đề rất khó khăn. Bởi toàn tỉnh mới chỉ có Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em - Bệnh viện Tâm thần tỉnh là nơi duy nhất tiếp nhận trẻ tự kỷ, nhưng thời gian điều trị mỗi ngày khá hạn chế, chỉ 45 phút/trẻ/ngày.
Báo động tình trạng gia tăng trẻ tự kỷ
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ 160 người thì sẽ có 1 người mắc bệnh tự kỷ. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 200 ngàn người mắc chứng tự kỷ. Theo ghi nhận, trẻ tự kỷ ngày càng tăng một cách đáng kể trên thế giới. Trước đây, tỷ lệ này là 1/1.000 thì nay ở Mỹ đã tăng lên 1/68, châu Phi là 1/37.
Tại Quảng Ngãi, hiện có 56 trẻ tự kỷ được gia đình đưa đến điều trị tại Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi. Nhưng thực tế, con số này còn cao hơn gấp nhiều lần bởi chưa thống kê số trẻ tự kỷ trong cộng đồng, hay được đưa đi điều trị ở các thành phố lớn, có điều kiện điều trị, giáo dục.
Số lượng trẻ tự kỷ ở Quảng Ngãi ngày càng gia tăng |
Tại hội nghị tập huấn rối loạn phổ tự kỷ mới được tổ chức ở Quảng Ngãi, bà Võ Thị Thùy- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, TP.HCM cho biết: Nguyên nhân gây nên hội chứng tự kỷ ở trẻ dù chưa xác định được. Nhưng căn cứ trên thông tin của bệnh nhân thì yếu tố môi trường bị nhiễm độc, áp lực cuộc sống khi người mẹ mang thai và trẻ sinh non thường sẽ bị tự kỷ nhiều hơn các trường hợp bình thường khác.
Với những gia đình có con tự kỷ, cha mẹ thường trải qua 3 giai đoạn. Đó là sụp đổ- mất thăng bằng, đổ lỗi cho người thân. Rồi đến bất an- đi tìm phao cứu chữa. Và phải mất một thời gian dài mới chấp nhận con bị tự kỷ và chấp nhận hợp tác với chuyên viên tâm lý can thiệp chữa trị lâu dài cho con.
Anh Vy Thanh Hiển, ở phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ: Thời gian đầu khi phát hiện con bị tự kỷ thì mọi sinh hoạt trong gia đình rối loạn, mệt mỏi. Con không hòa nhập với bạn cùng trang lứa, hành vi bất thường như chạy nhảy, phá phách nhiều, ngôn ngữ không rõ ràng.
Vì chưa xác định được nguyên nhân gốc của bệnh tự kỷ nên chưa thể chữa lành được. Biện pháp tốt nhất đến nay là can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ. Điều trị phối hợp như điều hòa cảm giác, dinh dưỡng, dùng thuốc. Tốt nhất là phát hiện sớm và can thiệp sớm khi trẻ còn dưới 40 tháng tuổi.
Khó khăn trong chăm sóc và điều trị
Hiện Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em - Bệnh viện Tâm thần tỉnh là nơi tiếp nhận và điều trị duy nhất tại Quảng Ngãi cho trẻ tự kỷ. Tại đây, 56 trẻ tự kỷ được các các y, bác sỹ và các cử nhân tâm lý chăm sóc và điều trị theo chương trình dành cho trẻ tự kỷ.
Bệnh viện tâm thần tỉnh là nơi duy nhất ở Quảng Ngãi nhận điều trị cho trẻ tự kỷ với thời gian 45phút/ngày. |
Tuy nhiên, với cơ sở vật chất còn hạn hẹp, đội ngũ bác sỹ tâm lý để hỗ trợ điều trị còn mỏng nên tại Khoa, mỗi ngày chỉ tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 - 25 em với thời gian cho mỗi em là 45 phút.
Là một trong những phụ huynh đưa con đến đăng ký được điều trị ngay khi Khoa Tâm căng tâm thần trẻ em được thành lập, anh Vy Thanh Hiển chia sẻ: Một tháng tôi đưa con đến đây học 12 buổi. Mỗi buổi được 45 phút. Trong thời gian này thì cô và trò tiếp xúc với nhau còn ít quá, nên hiệu quả điều trị chưa rõ rệt. Gia đình cũng phải kiên trì chờ kết quả xem sao.
Một khó khăn thường gặp phải trong việc điều trị cho trẻ tự kỷ là, hiện chưa có mô hình cụ thể, thống nhất về vấn đề chăm sóc trẻ tự kỷ. Nhiều phụ huynh rất phân vân không biết đưa con đi điều trị ở đâu, như thế nào là phù hợp.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Quang Vũ- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay trẻ được chăm sóc ở rất nhiều loại mô hình của các ngành giáo dục, y tế, lao động thương binh xã hội… nhưng đều rất khác nhau. Phụ huynh khi tiếp cận chắc chắn sẽ rất bối rối, không biết chọn mô hình nào tốt nhất cho con mình.
Với những hạn chế trên, việc trẻ tự kỷ có tiến bộ hay không vẫn phần lớn phụ thuộc vào cách chăm sóc của gia đình. Thế nhưng, hiểu biết về cách chăm sóc trẻ tự kỷ của nhiều phụ huynh vẫn còn hạn chế. Nên đa phần, trẻ rất khó phát triển, nhiều trường hợp cha mẹ đưa trẻ đến điều trị trễ so với thời gian vàng là trước 40 tháng nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Điều cần làm lúc này là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ được chăm sóc và điều trị hiệu quả nhằm giảm gánh nặng chi phí và giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: Thanh Phương